Hướng tới hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam

17:02' - 13/02/2022
BNEWS Số hóa vừa là một yêu cầu cấp thiết vừa là một xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong tương lai.

Theo Tổng cục trưởng Tổng Cục du lịch-Nguyễn Trùng Khánh, "Digitalisation - số hóa" là một xu hướng tất yếu của ngành du lịch. Với ngành du lịch Việt Nam, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm được Tổng cục Du lịch đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây.

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Tổng Cục du lịch đã tham mưu Lãnh đạo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025" với mục tiêu hình thành một hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Để triển khai thực hiện đề án, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các nhiệm vụ chính như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp thông qua phần mềm chế độ báo cáo thống kê tổng hợp theo quy định; ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch như ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến.

Trong bối cảnh dịch bệnh, Tổng cục Du lịch đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để góp phần đảm bảo an toàn trong ngành du lịch. Đặc biệt, Tổng Cục đã xây dựng và đưa vào hoạt động "ứng dụng Du lịch Việt Nam an toàn" để phục vụ khách du lịch; "ứng dụng hướng dẫn du lịch Việt Nam" phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; "hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn COVID-19" đối với các cơ sở kinh doanh du lịch trên toàn quốc, được kết nối liên thông với hệ thống của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống COVID-19.

Đồng thời hỗ trợ phục hồi thị trường du lịch quốc tế và nội địa thông qua việc đổi mới và đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số.

Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục tham mưu lãnh đạo các cấp ban hành những chương trình, đề án về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh; trong đó, sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước, xúc tiến quảng bá, kinh doanh du lịch, phát triển sản phẩm, hỗ trợ khách du lịch…

Đặc biệt vừa qua Quốc hội đã thông qua chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trong đó có bố trí ngân sách cho du lịch, tập trung vào chuyển đổi số, xúc tiến quảng bá và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đây là cơ hội, điều kiện rất thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa, tạo bước đột phá cho quá trình chuyển đổi số du lịch, góp phần quan trọng giúp ngành du lịch phục hồi và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch, Tổng Cục Du lịch sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch chính thức mở lại hoạt động du lịch quốc tế sau thời gian triển khai Chương trình du lịch thí điểm khi điều kiện đảm bảo an toàn cho phép và kiến nghị các giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch quốc tế.

Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành kéo dài thời gian áp dụng của các chính sách về thuế, phí, nới rộng điều kiện nhận hỗ trợ của chính sách an sinh xã hội: chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất đến hết năm 2023.

Đồng thời, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 6 tháng đối với các doanh nghiệp có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội giảm từ 15% trở lên so với thời điểm tháng 01/2020 mà không bị tính lãi phạt chậm nộp, kéo dài thời gian áp dụng đến hết năm 2023; chính sách giảm 50% phí cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên đến hết năm 2023; chính sách giảm giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất.

Đề xuất ban hành các chính sách hỗ trợ bổ sung như cho phép giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong năm 2022 và 2023 đối với lĩnh vực: dịch vụ vận tải, dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.

Cho phép các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch được vay với lãi suất thấp và điều kiện vay đơn giản: tín chấp hoặc thế chấp bằng dòng tiền kinh doanh thu về, mức lãi suất vay là 3%/năm, thời gian vay là 30 tháng, trong đó ân hạn 3 tháng đầu chưa phải trả lãi và nợ gốc.

Áp dụng mức phí công đoàn 1% quỹ lương của doanh nghiệp du lịch trong năm 2022 và 2023. Các địa phương xem xét có chính sách miễn giảm phí tham quan tại các điểm du lịch đến hết năm 2022, giúp doanh nghiệp giảm giá thành tour, kích cầu du lịch, lữ hành.

 Từ đầu năm 2021, Tổng Cục bắt đầu triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng điểm đến du lịch thông minh, trước mắt tại Hà Giang, Thanh Hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thông qua tổ chức cuộc thi để thu hút trí tuệ sáng tạo, lan tỏa tinh thần doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch./.

>>>Mở lại đường bay quốc tế: "Bơm oxy" cho ngành du lịch và hàng không

>>>SABECO ký kết hợp tác chiến lược với Tổng Cục du lịch

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục