Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài 2: Giải quyết đầu ra ổn định

15:26' - 26/11/2021
BNEWS Mặc dù có lợi thế về sản xuất nhưng đầu ra của nhiều loại nông sản Đồng Nai vẫn chưa ổn định.

Thêm vào đó, ngành công nghiệp chế biến, kho bảo quản chưa được đầu tư tương xứng nên giá trị thu về từ sản xuất nông nghiệp chưa đúng với tiềm năng.

Vẫn còn ùn ứ cục bộ

Bên cạnh những chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản đã được vận hành trơn tru, giúp nông sản Đồng Nai có mặt ở khắp mọi miền đất nước và xuất khẩu sang nhiều thị trường thì cũng không ít loại nông sản đối mặt với tình trạng ùn ứ cục bộ, nhất là khi thị trường biến động bất ngờ.
Với những loại cây trồng có diện tích lớn như chôm chôm, sầu riêng, xoài, bưởi và rau củ, khi vào vụ thu hoạch rộ, Đồng Nai có sản lượng nông sản rất lớn, song việc tiêu thụ đa phần đề thông qua thương lái tự do. Khi thị trường có biến động hoặc nguồn cung dồi dào, nông sản dễ bị ùn ứ cục bộ và rớt giá.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (huyện Xuân Lộc) thông tin, hợp tác xã chuyên thu mua và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với quy mô cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP. Thế nhưng, không ít lần phải ngược xuôi tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
"Riêng ở xã Xuân Định hiện có 250 ha đất trồng sầu riêng và 500 ha trồng cây chôm chôm. Mỗi nhà vườn ở đây thu hoạch khoảng 20 - 25 tấn/ha. Những năm trước, đầu ra của hợp tác xã đa số là thông qua hợp đồng với những nhà thu mua lớn của thành phố Long Khánh để xuất đi Trung Quốc khá thuận lợi. Cho đến khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, việc xuất hàng đi Trung Quốc bị ách tắc. Trái cây tới vụ chín rộ như sầu riêng, bơ, chuối không để được lâu do không có nơi bảo quản, chế biến nên giá giảm hơn một nửa so với bình thường" - bà Nga cho biết thêm.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hoan, một thương lái chuyên thu mua trái cây tại khu vực huyện Vĩnh Cửu cho biết, thương lái thu mua trái cây ở Đồng Nai chủ yếu để cung ứng tiêu thụ tại các địa phương khác; trong đó phần lớn là Tp. Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên thời gian qua, nguồn cung trái cây Đồng Nai vẫn tăng trong khi việc vận chuyển, tiêu thụ gặp khó khăn nên nhiều vùng nông sản như rau, trái cây đang rộ vụ thu hoạch rơi vào cảnh ùn ứ cục bộ, cần hỗ trợ tiêu thụ. Các loại trái cây thường xuyên "trúng mùa dội chợ" là chuối, bưởi, thanh long, dưa hấu…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai, ước tính năm 2021, tổng sản lượng trái cây của tỉnh đạt 700.000 tấn. Riêng từ tháng 9-12, sản lượng trái cây cung cấp ra thị trường khoảng 165.000 tấn, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường nội tỉnh chỉ khoảng 13.000 tấn/tháng, phần còn lại phải tìm đầu mối kết nối để tiêu thụ.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như giá trị sản xuất ngành nông nghiệp có tăng nhưng chưa thực hiện sự ổn định và có xu hướng chững lại.

Tuy đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung đối với các loại sản phẩm chủ lực, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu cao cả về số lượng và chất lượng đối với thị trường xuất khẩu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ chưa nhiều, chưa đa dạng về chủng loại nên hiệu quả kinh tế chưa cao như kỳ vọng.

Công nghiệp chế biến chưa tương xứng

So với một số địa phương thì Đồng Nai thu hút được khá nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông lâm thủy sản. Tuy nhiên, các nhà máy chỉ mới tập trung vào một số sản phẩm như: gỗ, cà phê, chế biến thực phẩm từ thịt động vật.

Nổi bật là lĩnh vực chế biến gỗ và lâm sản với 1.454 cơ sở, doanh nghiệp tham gia, là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu cao thuộc tốp đầu cả nước.

Đồng Nai cũng thuộc tốp đầu cả nước về đầu tư chế biến cà phê hòa tan nguyên chất, cà phê hòa tan phối trộn với sự góp mặt của nhiều nhà máy chế biến lớn như: Vinacafé Biên Hòa, Nestlé Việt Nam và Nhà máy Sản xuất cà phê hòa tan Tín Nghĩa...
Với sản phẩm chăn nuôi, toàn tỉnh hiện có 22 doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ thịt động vật trên cạn. Trung bình mỗi năm, các doanh nghiệp này chế biến, cung cấp ra thị trường khoảng 30 nghìn tấn thành phẩm, tương đương với khoảng 45 nghìn tấn nguyên liệu tươi.
Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở có sơ chế, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống đến chăn nuôi, giết mổ và bảo quản để chế biến. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu đi các nước, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ...
Tuy nhiên, xét về tổng thể với phần lớn nông sản còn lại, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản như sầu riêng, xoài, bưởi, chôm chôm, tiêu thụ chủ yếu vẫn là bán tươi thông qua thương lái để phân phối đi các tỉnh, thành khác.
Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định chuyên thu mua và trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao với quy mô cánh đồng lớn theo tiêu chuẩn VietGAP, thế nhưng không ít lần phải ngược xuôi tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là trong thời gian chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc Hợp tác xã thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định cho biết, các hợp tác xã đã nhận thấy yêu cầu phải có kho lạnh bảo quản, cấp đông hoặc chế biến các loại trái cây có sản lượng lớn từ nhiều năm trước.

Điều này xuất phát từ thực tế hầu hết trái cây được thu hoạch tập trung theo vụ, sản lượng lớn và thường xuyên gặp tình trạng vào vụ chính thì dư thừa, rớt giá, còn những tháng khác thì thiếu hụt, không có để bán. Nhưng đến nay, vẫn chưa có kho lạnh hay nhà máy chế biến nào cho các sản phẩm như sầu riêng, bơ, chôm chôm…
Theo bà Đặng Thị Thúy Nga, với một vùng nguyên liệu nông sản lớn như tỉnh Đồng Nai, việc không có kho bảo quản và nhà máy chế biến lớn thì nông dân chịu thiệt thòi rất nhiều. Các hợp tác xã cũng không dám liên kết thu mua quá nhiều vì nếu đầu ra gặp biến động bất ngờ thì không có chỗ để trữ hay chế biến.
Ông Lê Văn Gọi cũng cho rằng, một trong những khó khăn của nông nghiệp Đồng Nai hiện nay là thiếu kho dự trữ, bảo quản nguyên liệu để phục vụ chế biến khi hết vụ. Trong khi đó, khi vào vụ thu hoạch ồ ạt, trái cây, nông sản không kịp bảo quản khiến tỷ lệ hao hụt cao.
Dù đã hình thành được nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn nhưng liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản còn ít về số lượng và thiếu tính bền vững. Việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực chế biến nông sản theo chuỗi giá trị còn khó khăn./.

Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài 1: Nhiều lợi thế

Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Tăng giá trị sản phẩm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục