Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài cuối: Tăng giá trị sản phẩm

15:29' - 26/11/2021
BNEWS Hiện Đồng Nai xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm.

Giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai triển khai hàng loạt chương trình, đề án phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hội nhập; trong đó, tập trung vào mục tiêu khai thác, sử dụng hiệu quả các lợi thế riêng của địa phương để phát triển bền vững và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh nông nghiệp chất lượng cao

Đồng Nai định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Theo đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho nhãn hàng hóa và khâu quảng bá với mục tiêu tạo những tên tuổi, thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện mà nông sản hữu cơ chính là chìa khóa mở ra cảnh cửa mới cho nông sản Đồng Nai.
Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Đồng Nai  cho biết, tỉnh  đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn giai đoạn từ 2020 đến năm 2030. Đối với vùng trồng trọt hữu cơ, tỉnh chia ra các khu vực cụ thể như: vùng lúa, rau đậu, sản xuất cây ăn quả, hồ tiêu, điều với quy hoạch cụ thể cho từng giai đoạn.
Hiện Đồng Nai xây dựng các vùng chăn nuôi hữu cơ với các sản phẩm chủ lực như sản phẩm mật ong, sản phẩm yến, thịt gia súc gia cầm.

Riêng vùng chăn nuôi bò hữu cơ gắn với vùng đồng cỏ, vùng trồng trọt sản xuất thức ăn thô xanh hữu cơ. Quy hoạch đến năm 2025, vùng chăn nuôi lợn hữu cơ đạt khoảng 5.000 con và năm 2030 đạt khoảng 10.000 con.

Vùng chăn nuôi gia cầm hữu cơ có đàn gia cầm đạt khoảng 200.000 con vào năm 2025 và khoảng 500.000 con vào năm 2030; phấn đấu đưa đàn bò hữu cơ đến năm 2025 đạt khoảng 800 con và đến năm 2030 đạt khoảng 1.500 con; vùng nuôi ong hữu cơ cho sản lượng mật ong hữu cơ khoảng 100 tấn đến năm 2025 và khoảng 300 tấn vào năm 2030…
Ngoài ra, Đồng Nai cũng phát triển vùng nuôi trồng thủy sản hữu cơ gồm những sản phẩm chủ lực như tôm nước lợ, tôm càng xanh, các loài thủy sản bản địa ... với diện tích mặt nước đạt khoảng 200 ha vào năm 2025 và khoảng 500 ha đến năm 2030.
Theo ông Lê Văn Gọi, ngoài nông nghiệp hữu cơ, Đề án phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Israel trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được cho là một trong những dự án đột phá góp phần thay đổi về "chất" trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh.
Mục tiêu của đề án nhằm chọn những nông sản thế mạnh của Đồng Nai; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao của Israel vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, năng suất, chất lượng. Mô hình đột phá được ưu tiên triển khai sớm là nhóm các nông sản được thị trường xuất khẩu ưa chuộng.
Để khai thác thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, Đồng Nai còn có đề án Phát triển nông nghiệp đô thị cho vùng kinh tế Tây Nam tỉnh Đồng Nai tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng Tây Nam tỉnh Đồng Nai theo hướng đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp đô thị kết hợp nông nghiệp công nghệ cao; sản xuất hàng hóa lớn gắn với thị trường tiêu thụ; ứng phó với biến đổi khí hậu... Vùng kinh tế này còn chú trọng thu hút đa dạng các loại hình kinh tế tham gia liên kết sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp đô thị.
Từng địa phương sẽ xác định đâu là điểm đột phá, đổi mới, nguồn lực, lợi thế riêng trong phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn mới làm cơ sở cho việc điều hành trong 5 năm tới.
Tại huyện Xuân Lộc, ông Viên Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy huyện Xuân Lộc cho biết, địa phương đang thực hiện nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi với nhà đầu tư, đối tác liên kết thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn. Đến nay Xuân Lộc đã quy hoạch sẵn 4 tiểu vùng sản xuất tập trung để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi mang tính đặc trưng, phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương và có giá trị kinh tế cao.
Ngoài các vùng, tiểu vùng nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu, huyện tiếp tục rà soát quỹ đất công và thu hồi các dự án hết hạn, đưa vào quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo quỹ đất sạch, lớn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc tập trung ưu tiên hoàn thiện đường giao thông, hệ thống thủy lợi, đường điện vùng có quy hoạch dự án nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức sản xuất và làm chứng nhận tiêu chuẩn GAP, Organic, HACCP, ISO, OCOP; xây dựng chỉ dẫn địa lý và mã số vùng để thuận lợi hơn khi xuất khẩu.
Cùng với việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, huyện Xuân Lộc cũng chú trọng tạo dựng các mối quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp với người nông dân, giữa những người nông dân với nhau, tạo liên kết sản xuất các loại mặt hàng tuân thủ theo quy trình và tiêu chuẩn chung.

Đầu tư phát triển chế biến

Phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt đầu tư chế biến sâu được xem là giải pháp quan trọng giúp gia tăng giá trị, giải bài toán đầu ra cho nông sản để có nền nông nghiệp bền vững. Thu hút đầu tư vào chế biến sâu cũng góp phần tăng sức cạnh tranh cho nông sản khi bước vào hội nhập.
Ông Hồ Sáu, đại diện Công ty TNHH Việt Nông Lâm (huyện Trảng Bom), một doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực đầu tư chế biến thức ăn gia súc tại địa phương cho rằng, Đồng Nai có nhiều lợi thế  phát triển ngành chế biến thức ăn chăn nuôi đại gia súc phục vụ xuất khẩu đi các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản vì nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào, chi phí sản xuất thấp do tận dụng được nhiều loại phế phẩm nông nghiệp…
Để duy trì nguồn nguyên liệu chế biến lâu dài, doanh nghiệp đang liên kết với nông dân bao tiêu hàng trăm ha bắp cây. Nông dân cũng được lợi vì trồng bắp cây có thể làm được 4 vụ/năm, lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng bắp thu hạt truyền thống.
Trong khi đó, ông Lê Văn Quyết, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát chia sẻ, hiện nay nhu cầu về thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn không ngừng tăng cao tại các thành phố lớn, các tỉnh công nghiệp.
Là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về ngành chăn nuôi, Đồng Nai đang là địa chỉ thu hút các nhà đầu tư trong ngành chế biến. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư các nhà máy chế biến thịt hiện đại, đạt chuẩn quốc tế với tham vọng không chỉ chiếm lĩnh được thị trường nội địa mà còn vươn ra xuất khẩu.
Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy chế biến lớn đều do doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và liên kết theo chuỗi riêng. Vấn đề hiện nay là phải thu hút cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia đầu tư các cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến, tăng liên kết và hướng dẫn cả những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sản xuất theo quy trình, chất lượng cao mới mang lại lợi ích cho đại đa số nông dân.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn, quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Đồng Nai, với mục tiêu nâng cao giá trị cho nông sản và phát triển ngành nông nghiệp bền vững, tỉnh Đồng Nai đang triển khai nhiều đề án, chương trình thu hút đầu tư phát triển chế biến, bảo quản nông sản, qua đây phấn đấu đưa tỉnh trở thành trung tâm chế biến nông sản xuất khẩu của cả nước.
Tỉnh Đồng Nai đang triển khai thực hiện 2 cụm công nghiệp điểm trong lĩnh vực chế biến nông sản là Cụm công nghiệp Phú Túc, tại huyện Định Quán và Cụm công nghiệp Long Giao thuộc địa bàn huyện Cẩm Mỹ trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các doanh nghiệp, cơ sở sơ chế, chế biến trái cây, nông sản. Đặc biệt, các vùng nguyên liệu nông sản lớn, nhất là các vùng chuyên canh cây ăn trái cần có cụm công nghiệp chuyên sâu về chế biến.
Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, phát triển sản xuất gắn liền với nhà máy chế biến là lợi thế rất lớn trong phát triển nông nghiệp. Đồng Nai có nhiều lợi thế hơn những địa phương khác trong sản xuất phục vụ chế biến vì có khu công nghiệp phát triển, gần các cửa sông lớn, cảng biển.

Trong khi đó, những tỉnh, thành phố phát triển mạnh về công nghiệp như Tp. Hồ Chí Minh có diện tích đất dành cho nông nghiệp ngày càng thu hẹp. Chính vì vậy, địa phương này cần tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến nông sản, gắn kết giữa các vùng trồng với các nhà máy chế biến.
Theo Giáo sư Nguyễn Hồng Sơn, để Đồng Nai trở thành trung tâm công nghiệp - chế biến nông sản sâu hàng đầu của Việt Nam, tỉnh cần nghiên cứu sâu hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu về các nông sản chủ lực gắn với xây dựng các chuỗi liên kết nhằm đưa ra những chính sách phù hợp, tạo bệ đỡ cho các nhóm cây trồng chủ lực này phát triển toàn diện.

Ngoài ra, Đồng Nai cũng cần có những chính sách thiết thực để thu hút được những doanh nghiệp chế biến hàng đầu về địa phương, trở thành trung tâm chế biến nông sản của cả khu vực trong thời gian tới./.

Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài 1: Nhiều lợi thế

Hướng tới nông nghiệp bền vững - Bài 2: Giải quyết đầu ra ổn định

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục