Hy Lạp cắt giảm thuế thời kỳ hậu cứu trợ

11:44' - 08/05/2019
BNEWS Chính phủ Hy Lạp ngày 7/5 đã loan báo một loạt các biện pháp để giảm bớt gánh nặng cho người nộp thuế tại nước này trong thời kỳ hậu cứu trợ.

Tại cuộc họp báo tổ chức ở thủ đô Athens, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras nói rằng 10 tháng sau khi nước này "giã biệt" các chương trình cứu trợ khắc nghiệt, giờ là lúc các hộ gia đình và doanh nghiệp Hy Lạp cảm nhận những thành quả của nỗ lực và sự hy sinh mà đã giúp phục hồi nền kinh tế.

Ông Tsipras cho hay hiện kho bạc quốc gia Hy Lạp có nguồn thanh khoản ít nhất 31 tỷ euro (34,7 tỷ USD). Trong đó khoảng 3,6 tỷ euro sẽ được hoàn trả sớm cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để có thể kiệm hàng triệu euro tiền lãi phải trả hàng năm.

Khoảng 5,5 tỷ euro khác sẽ được đưa vào một tài khoản đặc biệt làm tài sản thế chấp vay nợ trong ba năm tới.

Phần còn lại sẽ được đầu tư vào các chính sách thúc đẩy và hỗ trợ tăng trưởng khác.

Thủ tướng Hy Lạp cũng công bố nhóm các biện pháp mới trong ngày 7/5, bao gồm các chính sách sẽ được thông qua vào tháng Năm này và có hiệu lực từ năm 2019, cùng những chính sách khác được dành cho năm 2020.

Theo đó, các biện pháp được thực hiện năm 2019 bao gồm khôi phục dài hạn tháng lương hưu thứ 13 từng bị cắt giảm trong cuộc khủng hoảng, cắt giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 13% xuống 11% đối với hàng hóa và dịch vụ nói chung, giảm thuế cho cư dân tại các đảo, cũng như hạ chi phí liên quan tới sưởi ấm cho khu vực miền núi.

Ngoài ra, thuế VAT đối với tất cả các loại lương thực phẩm sẽ được giảm từ 24% xuống 13%, còn VAT đối với điện và khí đốt tự nhiên giảm từ 13% xuống còn 6%.

Sang năm 2020, chính sách có tên gọi là "Thuế đoàn kết" được đưa ra trong những năm khủng hoảng và áp lên thu nhập hàng năm của người dân cũng sẽ được cắt giảm.

Cụ thể, những người có thu nhập hàng năm lên tới 30.000 euro sẽ chứng kiến mức thuế hạ 3 điểm phần trăm, còn thuế áp lên những người có thu nhập dưới 20.000 euro sẽ giảm xuống còn 0%.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hy Lạp sẽ hỗ trợ khoản đóng góp cho quỹ an sinh xã hội của các lao động trẻ dưới 30 tuổi có công việc toàn thời gian. Đây là một phần trong nỗ lực giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện đang ở mức cao 18% của nước này.

Hy Lạp đã "tạm biệt" chương trình cứu trợ tài chính kéo dài tám năm vào tháng 8/2018, nhưng Athens vẫn phải chịu kiểm soát từ các chủ nợ châu Âu, dù dễ thở hơn so với thời kỳ cứu trợ tài chính nhưng vẫn ngặt nghèo hơn so với các nước tiếp nhận các khoản vay cứu trợ khác.

Trong một báo cáo được công bố hồi cuối tháng 1/2019, các quan chức IMF dự báo kinh tế Hy Lạp sẽ tăng 2,4% trong năm 2019, so với mức tăng 2,1% ghi nhận năm 2018.

IMF cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng tạo việc làm của Hy Lạp trong năm nay, song hối thúc chính phủ nước này tiếp tục cải cách để duy trì đà tăng trưởng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục