IATA ủng hộ Boeing giải quyết cuộc khủng hoảng về vấn đề an toàn

11:19' - 20/02/2024
BNEWS CEO của Boeing của Mỹ, Dave Calhoun, là người phù hợp để đưa hãng ra khỏi cuộc khủng hoảng mới đây nhất về vấn đề an toàn, sau khi một ủy ban yêu cầu dừng bay đối với máy bay 737 MAX 9 tháng trước.

Theo Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) Willie Walsh, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ, Dave Calhoun, là người phù hợp để đưa hãng ra khỏi cuộc khủng hoảng mới đây nhất về vấn đề an toàn, sau khi một ủy ban yêu cầu dừng bay đối với máy bay 737 MAX 9 trong tháng trước.

 

Boeing chịu sức ép từ các nhà chức trách, các nghị sỹ và người đứng đầu các hãng hàng không sau sự cố trên chuyến bay vào ngày 5/1 của hãng hàng không Alaska Air, gây lo ngại về hoạt động chế tạo của Boeing.

Ông Walsh nói rằng ông Calhoun và ban lãnh đạo của Boeing đã nhận trách nhiệm và cam kết tìm kiếm giải pháp. Ông đánh giá Boeing đã có những giải pháp thích hợp. Cách phản ứng của hãng lần này tốt hơn nhiều so với các sự cố khác. Ông tin rằng ông Calhoun sẽ giải quyết được vấn đề.

Theo ông Walsh, các vấn đề an toàn của Boeing sẽ không làm giảm lượng đơn đặt hàng các máy bay của hãng hay khiến các hành khách tránh đặt vé các hãng hàng không sử dụng máy bay 737 MAX 9.

Ông Walsh có phát biểu trên một ngày trước khi khai mạc Triển lãm hàng không Singapore (Xin-ga-po), với sự chú ý về chuyến bay đầu tiên bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc của máy bay chở khách C919 do Commercial Aircraft Corporation of China sản xuất trong nước.

C919, máy bay mới chỉ được chứng nhận tại Trung Quốc, với 4 chiếc đang hoạt động, đã bay trình diễn tại Singapore vào ngày 18/2.

Ông Walsh nhận định C919 sẽ chủ yếu được sử dụng tại thị trường nội địa Trung Quốc và sẽ mất nhiều thập kỷ trước khi Trung Quốc có thể sản xuất máy bay có thể cạnh tranh với Boeing và Airbus trên toàn cầu.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đầu tháng 2/2024 cho biết cần phải tăng cường giám sát Boeing sau sự cố về an toàn trước đó.

Tại phiên điều trần trước Tiểu ban Hàng không của Hạ viện Mỹ, quản trị viên FAA Michael Whitaker nói: “Đã có nhiều vấn đề với Boeing trong quá khứ và dường như chúng không được giải quyết. Vì vậy, chúng tôi cảm thấy cần phải áp dụng mức độ giám sát cao hơn để thực sự đạt được mục tiêu đó”.

Phần lớn phiên điều trần hôm 6/2 tập trung vào vụ việc xảy ra vào ngày 5/1, khi một tấm cửa máy bay 737 MAX 9 bị bung trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines. Theo báo cáo sơ bộ từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB), 4 bu lông cố định tấm chắn cửa đã không được lắp đặt trên máy bay Boeing 737 MAX 9 gặp sự cố. Cụ thể, cơ quan này cho biết bằng chứng từ cánh cửa và thân máy bay được thu hồi cho thấy 4 chiếc bu lông "bị mất".

United Airlines, hãng sở hữu đội bay lớn nhất gồm 79 chiếc máy bay 737 chiếc MAX 9 cho biết họ đã phát hiện ra "các bu lông cần phải siết chặt hơn" trong quá trình kiểm tra.

Sau sự cố, máy bay MAX 9 đã bị cấm bay trong nhiều tuần cho đến khi chúng có thể được kiểm tra cẩn thận, đồng thời, các cơ quan quản lý đang xem xét kỹ lưỡng các quy trình sản xuất của Boeing và gây áp lực lên ban lãnh đạo công ty.

Sự cố của Alaska Airlines trở thành cuộc khủng hoảng lớn nhất đối với Boeing kể từ khi toàn bộ dòng máy bay MAX của hãng này bị đình chỉ bay trên toàn thế giới vào năm 2019 sau hai vụ tai nạn nghiêm trọng vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019, khiến 346 người thiệt mạng.

FAA đã ủy quyền cho một công ty chuyên môn thực hiện cuộc kiểm toán kéo dài sáu tuần. Cuộc kiểm toán này hiện đang được tiến hành và những phát hiện của cuộc kiểm tra này sẽ được sử dụng để xác định phương pháp giám sát dài hạn mới đối với máy bay Boeing.

Trong năm 2023, Boeing đã phải vật lộn với một loạt những khó khăn trên mẫu máy bay nổi tiếng và phổ biến nhất của họ - 737 MAX. Đỉnh điểm là sự cố lớn về an toàn trên chuyến bay của hãng hàng không Alaska Airlines vào đầu tháng 1/2024, khiến FAA phải tiến hành một cuộc điều tra sâu rộng.

Các cơ quan chức năng Mỹ cũng đang kiểm tra xem các bu lông trên chốt cửa của máy bay Alaska Airlines bị thiếu hụt hay lắp không tốt. Dự kiến một báo cáo sơ bộ sẽ được công bố trong tuần này.

Trong khi đó, thị trường máy bay cũ đang bùng nổ do tình trạng thiếu hụt kéo dài dai dẳng kể từ đại dịch COVID-19, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng cuộc khủng hoảng mới nhất của Boeing có thể làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn trong những tháng tới.

Công ty cho thuê máy bay Avolon cho biết lĩnh vực này hiện thiếu khoảng 3.000 máy bay so với kế hoạch trước dịch bệnh do tình trạng gián đoạn của đại dịch và các điểm nghẽn khác tại Boeing và Airbus.

Giờ đây, việc hạn chế sản xuất của Boeing sau sự cố của hãng hàng không Alaska Airlines đã tạo thêm áp lực buộc các hãng hàng không phải bay với những chiếc máy bay cũ lâu hơn.

Nhà phân tích George Dimitroff của công ty phân tích hàng không Cirium cho biết tình hình hiện nay làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung và đẩy lùi thời điểm thị trường có thể quay trở lại trạng thái cân bằng.

Các hãng hàng không đang trả giá cao hơn để đảm bảo họ có đội bay đủ lớn nhằm đáp ứng nhu cầu mà IATA dự kiến sẽ đạt kỷ lục 4,7 tỷ lượt hành khách vào năm 2024.

Cuộc khủng hoảng nguồn cung máy bay đã trở thành chủ đề nóng tại một cuộc họp quan trọng trong tuần này ở Dublin, Ireland, quê hương của nhiều hãng cho thuê máy bay hàng đầu.

Giám đốc điều hành của AerCap, ông Aengus Kelly, cho biết một số hãng hàng không đang mua lại những chiếc máy bay mà họ thuê thay vì đàm phán gia hạn hợp đồng thuê. Đó là dấu hiệu cho thấy các hãng hàng không biết rằng những vấn đề mà thị trường gặp phải sẽ không được giải quyết sớm.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục