IEEFA: Đông Nam Á cần ủng hộ ADB trong đóng cửa các nhà máy điện than

14:17' - 24/09/2021
BNEWS Theo Viện phân tích tài chính và kinh tế học năng lượng (IEEFA), chính phủ các nước Đông Nam Á cần phải ủng hộ các kế hoạch xúc tiến của ADB trong việc đóng cửa các nhà máy điện than trong khu vực.
Viện phân tích tài chính và kinh tế học năng lượng (IEEFA) ngày 24/9 công bố báo cáo cho rằng chính phủ các nước Đông Nam Á cần phải ủng hộ các kế hoạch xúc tiến việc đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than trong khu vực của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) bằng các quy định mạnh mẽ nhằm có được nguồn vốn chi cho chương trình này.

ADB dự định sẽ tạo ra một mô hình đối tác công tư để mua lại các nhà máy điện than và giảm dần hoạt động của các nhà máy này trong 15 năm, sớm hơn nhiều so với vòng đời bình thường của các nhà máy điện than. ADB đặt mục tiêu đưa mô hình này sẵn sàng đi vào hoạt động trước khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow, Scotland (X-cốt-len).

Trong báo cáo, IEEFA nhận định sáng kiến trên của ADB có thể là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với quá trình chuyển đổi năng lượng của Đông Nam Á sang các loại năng lượng tái tạo. Theo tổ chức này, để thực hiện kế hoạch trên, chính phủ các nước trong khu vực phải hỗ trợ mô hình này thông qua các quy định và công tác quản trị, để các nhà đầu tư bên ngoài có niềm tin để tài trợ các khoản vốn cam kết. Tuy nhiên, ADB chưa công bố chi tiết đầy đủ về những yêu cầu đối với các nước tham gia sáng kiến.

Theo báo cáo của IEEFA, vì quy mô vốn cần thiết để ngừng hoạt động một nửa số nhà máy điện than ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Philippines (Phi-líp-pin) và Việt Nam là khoảng 55 tỷ USD, nên mô hình của ADB cần được thực hiện một cách mạnh mẽ vì nếu không, nó sẽ “nuốt chửng” nguồn vốn cần thiết có các dự án nặng lượng sạch quan trọng khác.

Nước xuất khẩu than hàng đầu khu vực là Indonesia cho biết từ nay đến năm 2056 sẽ loại bỏ điện than, nhưng nước này vẫn đang “vật lộn” để tìm ra cách cân bằng các mục tiêu khí thải với “cái giá” của việc hạn chế ngành than, lĩnh vực đóng góp đến 38 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 1-7/2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục