IEF: Ngành dầu khí toàn cầu cần 4.300 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn 2025-2030

08:21' - 08/06/2024
BNEWS IEF nhận định ngành dầu khí toàn cầu sẽ cần tổng vốn đầu tư trị giá 4.300 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng.
Theo báo cáo vừa công bố, Diễn đàn Năng lượng Quốc tế (IEF) nhận định ngành dầu khí toàn cầu sẽ cần tổng vốn đầu tư trị giá 4.300 tỷ USD trong giai đoạn 2025-2030 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng.

Báo cáo của IEF đánh giá nhu cầu vốn ngày càng gia tăng nhờ lực đẩy từ triển vọng nhu cầu dầu mỏ. Nhu cầu dầu thô thế giới được dự báo sẽ tăng từ 103 triệu thùng/ngày năm 2023 lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2030.

Tổng Thư ký IEF Joseph McMonigle nhận xét: "Ngành năng lượng cần đầu tư nhiều hơn vào các nguồn cung dầu khí mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và duy trì sự ổn định của thị trường năng lượng".

Theo báo cáo của IEF, chi tiêu cho các hoạt động thượng nguồn (tìm kiếm, thăm dò và khai thác) của ngành dầu khí toàn cầu dự kiến sẽ tăng 24 tỷ USD trong năm nay, đạt trên 600 tỷ USD lần đầu tiên sau một thập kỷ. IEF nhấn mạnh đầu tư hàng năm phải tăng thêm 135 tỷ USD, tương đương 22%, lên 738 tỷ USD vào năm 2030 để đảm bảo đủ nguồn cung dầu khí.

 
Báo cáo của IEF, được phát hành với sự phối hợp của S&P Global, chỉ ra rằng mức đầu tư cho năm 2030 cao hơn 15% so với mức mà IEF ước tính một năm trước và cao hơn 41% so với ước tính của hai năm trước, chủ yếu do chi phí tăng và triển vọng nhu cầu mạnh mẽ hơn. Phó Chủ tịch của S&P Global Commodity Insights, ông Roger Diwan, cho rằng sản lượng dự kiến sẽ giảm và tăng trưởng nhu cầu trong tương lai sẽ đòi hỏi phải tái đầu tư dòng tiền hiện có ngay cả khi quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra.

Theo IEF, Bắc Mỹ và Mỹ Latinh sẽ chiếm phần lớn trong mức tăng dự kiến về chi tiêu cho các hoạt động thượng nguồn trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, với hơn 60% tổng vốn đầu tư toàn cầu sẽ được thực hiện tại hai khu vực này. IEF cho rằng trong khi Bắc Mỹ được kỳ vọng là động lực tăng trưởng vốn đầu tư lớn nhất đến năm 2030, khu vực Mỹ Latinh sẽ tiếp tục đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng nguồn cung của các nhà sản xuất ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC). Khoảng 2,2 triệu thùng/ngày dự kiến sẽ được sản xuất từ các dự án mới hoặc mở rộng đã được phê duyệt ở Mỹ Latinh vào năm 2030. Con số này chiếm hơn một phần ba trong tổng số 6 triệu thùng/ngày thuộc các dự án đã được phê duyệt trên toàn cầu.

IEF cho rằng sự gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực thượng nguồn có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng. IEF nhấn mạnh: "Quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng đòi hỏi phải có nền tảng an ninh năng lượng. Hai năm qua đã chứng minh những hậu quả của quá trình chuyển đổi không trật tự: các cú sốc về giá, tình trạng thiếu hụt, gián đoạn, bất ổn chính trị, chia rẽ và xung đột".

IEF dự báo sản lượng dầu mỏ truyền thống toàn cầu sẽ giảm hơn 20% vào năm 2035 nếu không có hoạt động khoan bổ sung. Theo IEF, nếu không hoạt động khoan bổ sung, sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ giảm 9 triệu thùng/ngày vào năm 2030 và 14 triệu thùng/ngày vào năm 2035. Do đó, IEF cho rằng các khoản đầu tư được thực hiện trong thập kỷ này sẽ tác động tốt đến các mức sản lượng trong thập kỷ tới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục