IMF bi quan về bức tranh kinh tế toàn cầu

13:30' - 20/07/2016
BNEWS Đây là lần thứ 5 trong vòng 15 tháng qua thể chế tài chính này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
IMF bi quan về bức tranh kinh tế toàn cầu. Ảnh: dawn.com

Tác động tiêu cực của "cú sốc" người dân Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) một lần nữa hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu.

Trong báo cáo "Triển vọng kinh tế thế giới" công bố ngày 19/7, IMF dự báo nền kinh tế thế giới trong năm 2016 và năm 2017 sẽ tăng trưởng lần lượt 3,1% và 3,4%, giảm 0,1% cho mỗi năm so với dự đoán hồi tháng Tư vừa qua.

Đây là lần thứ 5 trong vòng 15 tháng qua thể chế tài chính này điều chỉnh hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

IMF nhận định: bất chấp sự cải thiện gần đây tại Nhật Bản và châu Âu cùng sự phục hồi phần nào của giá hàng hóa, nền kinh tế toàn cầu vẫn phải đối mặt với sự bất ổn sau khi kịch bản Brexit xảy ra, phủ bóng đen lên bầu trời nước Anh và toàn bộ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo thể chế tài chính này, tình trạng bất ổn vẫn đang tiếp diễn có thể gây áp lực lên tiêu dùng và đặc biệt là hoạt động đầu tư.

Dự báo kinh tế toàn cầu đi xuống cũng kéo theo triển vọng không mấy lạc quan tại một loạt nền kinh tế như Anh, Mỹ, Nigeria và Nhật Bản.

Cụ thể, IMF cho rằng "cơn địa chấn" Brexit sẽ tác động mạnh đến bản thân nước Anh với tăng trưởng GDP dự kiến chỉ đạt 1,7% trong năm nay và 1,3% trong năm tới, giảm lần lượt 0,2% và 0,9% so với dự báo trước đó.

Trong khi đó, nền kinh tế Mỹ được đánh giá không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự kiện Brexit, và được dự báo đạt tăng trưởng 2,2% trong năm nay và 2,5% trong năm sau. Theo IMF, kinh tế Nhật Bản ước tăng 0,3% trong năm nay, và tăng 0,1% trong năm tới.

Tăng trưởng kinh tế của Nigeria, nền kinh tế lớn nhất của châu Phi, được dự báo sẽ sụt giảm mạnh với mức tăng trưởng âm 1,8%, thay vì tăng trưởng 2,3%, trong năm nay do giá dầu lao dốc gây tổn thương đến doanh thu dầu mỏ, hoạt động sản xuất điện và lòng tin của giới đầu tư.

IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực châu Phi phía Nam sa mạc Sahara xuống còn 1,6%. Một nền kinh tế mạnh khác của châu lục là Nam Phi cũng chỉ có mức tăng trưởng rất thấp là 0,1%.

Triển vọng kinh tế của Trung Quốc có vẻ khả quan hơn khi IMF nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lên 6,6%, tăng 1,1% so với dự báo trước, do những yếu tố như sự hỗ trợ của chính phủ và ngân hàng trung ương nước này đối với nền kinh tế.

Đối với Eurozone, mặc dù IMF nâng mức dự báo tăng trưởng tại khu vực này lên 1,6% trong năm nay, song dự báo giảm xuống còn 1,4% trong năm 2017 do lòng tin người tiêu dùng và doanh nghiệp có thể sụt giảm.

Bên cạnh đó, IMF cũng cảnh báo khả năng xuất hiện những nguy cơ lớn kìm hãm đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới.

Theo thể chế tài chính này, các khoản nợ xấu và tình hình tài chính yếu kém của các ngân hàng Hy Lạp, Italy và Bồ Đào Nha cũng như tình trạng thị trường hỗn loạn kéo dài là những yếu tố có thể dẫn tới những hậu quả kinh tế vĩ mô khắc nghiệt./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục