IMF: Các ngân hàng trung ương cần kiên trì chống lạm phát

12:48' - 15/09/2022
BNEWS Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các ngân hàng trung ương toàn thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát.

Ngày 14/9, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các ngân hàng trung ương toàn thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát, cho rằng các thể chế tài chính cần phải kiên trì khi lạm phát vẫn ở mức cao.

 

Người đứng đầu IMF khẳng định tình hình lạm phát cao vẫn con dai dẳng và bao phủ trên phạm vi rộng hơn so với dự báo. Bà thừa nhận nhiều nhà kinh tế đã sai khi dự báo lạm phát sẽ "hạ nhiệt" trong năm 2022.

Theo bà  Georgieva, nếu chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ vận hành hiệu quả, tình hình lạm phát có thể bớt căng thẳng trong năm 2023. Tuy nhiên, trường hợp chính sách tài chính không hướng đến các mục tiêu đầy đủ, đây sẽ trở thành "kẻ thù" của chính sách tiền tệ và thúc đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa.

Theo bà, sự gia tăng đáng ngạc nhiên của lạm phát chỉ là một phần trong những khó khăn mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt. Bà cho rằng đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine cũng là yếu tố làm gia tăng giá cả và chi phí sinh hoạt.

Theo đó, giá dầu mỏ tăng cao sẽ tiếp tục gia tăng áp lực về giá lên các loại hàng hóa, dịch vụ khác và do vậy lạm phát chưa thể hạ nhiệt. Bà Kristalina Georgieva cho rằng ngân hàng trung ương các nước cần kiên trì và có biện pháp ứng phó cứng rắn.

Tuyên bố của bà Georgieva được đưa ra 1 ngày sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát trong tháng 8 của nước này tiếp tục tăng do chi phí thuê nhà và giá thực phẩm tiêu tục tăng cao.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen khẳng định lạm phát của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới nhờ các hành động của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Bà khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực phối hợp hành động cùng FED để thực hiện mục tiêu chung giảm lạm phát.

Từ tháng 3/2022, FED đã nhiều lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và thể chế tài chính này vẫn phát đi tín hiệu duy trì biện pháp này cho đến khi các yếu tố tác động đến lạm phát được cải thiện.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao Động Mỹ, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số CPI lõi không tính giá lương thực và năng lượng, tăng 0,6%, tương ứng tăng 6,3% theo năm.

Số liệu thống kê thực tế nêu trên đi ngược dự báo trước đó của các nhà kinh tế cho rằng lạm phát của Mỹ sẽ giảm 0,1% và CPI cốt lõi sẽ chỉ tăng 0,3% theo tháng. Điều này cho thấy biện pháp của FED chưa có hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục