IMF kêu gọi G20 tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại toàn cầu

16:28' - 15/11/2022
BNEWS Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo điều kiện hơn cho thương mại toàn cầu.

Ngày 15/11, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã hối thúc các nhà lãnh đạo Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tạo điều kiện hơn cho thương mại toàn cầu trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và có nguy cơ chia tách thành các khối riêng biệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế chung.

 

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh G20, bà Gieorgieva chỉ ra rằng xung đột Nga-Ukraine, lạm phát leo thang và biến đổi khí hậu đã dẫn đến khủng hoảng lương thực, gây ảnh hưởng đến đời sống của khoảng 345 triệu người trên thế giới.

Theo bà Georgieva, việc loại bỏ các rào cản trong thương mại, đặc biệt là lệnh trừng phạt đối với các mặt hàng trọng yếu như lương thực và phân bón, có thể là bước tiến dài để giúp đỡ hàng trăm triệu người đang gặp khó khăn.

Bà Georgieva cảnh báo nguy cơ thế giới bị chia tách thành các khối địa chính trị có thể dẫn đến các tiêu chuẩn công nghệ và quy định khác nhau, trong khi càng khiến chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo tính toán của IMF, một thế giới đa cực sẽ gây thiệt hại khoảng 1,5% tổng GDP hằng năm của thế giới, trong đó các nền kinh tế phụ thuộc nhiều  vào hợp tác quốc tế sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.

Trước tình hình đó, bà Georgieva kêu gọi các nước G20 giảm và giãn nợ cho các nước đang phát triển. Bà Georgieva cho biết đối với 25% các nền kinh tế thị trường mới nổi và 60% các quốc gia có thu nhập thấp, các yếu tố như dịch COVID-19, xung đột Nga-Ukraine và lạm phát đang là thách thức lớn đối với khả năng quản lý an ninh lương thực và năng lượng của các nước này.

Theo bà Georgieva, thỏa thuận của CH Chad với các chủ nợ nhằm tái cơ cấu khoản nợ nước ngoài trị giá 3 tỷ USD là minh chứng cho thấy khuôn khổ xử lý nợ chung của G20 đang phát huy hiệu quả, song các nỗ lực vẫn cần được thúc đẩy hơn nữa.

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra tại Bali (Indonesia) với các vấn đề trọng tâm dự kiến được thảo luận là sự phục hồi kinh tế thế giới, hệ thống y tế thế giới và biển đối khí hậu. Bên cạnh đó, các vấn đề khác như chuyển đổi số, an ninh lương thực và năng lượng cũng sẽ được thảo luận.

Được thành lập năm 1999, G20 là một diễn đàn trung tâm của hợp tác quốc tế trong các vấn đề tài chính và kinh tế, quy tụ 19 quốc gia cùng Liên minh châu Âu (EU), với quy mô chiếm 80% GDP toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục