IMF không thay đổi lập trường về vấn đề nợ công của Hy Lạp

12:45' - 18/02/2017
BNEWS Ngày 17/2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định thể chế tài chính này không thay đổi lập trường về vấn đề nợ công của Athens.

Trong bối cảnh xuất hiện tin đồn về khoản giải ngân 5 tỷ euro (tương đương 5,3 tỷ USD) trong gói cứu trợ thứ 3 trị giá 86 tỷ euro cho Hy Lạp, ngày 17/2, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khẳng định thể chế tài chính này không thay đổi lập trường về vấn đề nợ công của Athens. 

Trong tuyên bố phát đi từ Washington, Mỹ, một người phát ngôn IMF từ chối bình luận về những thông tin phỏng đoán liên quan đến vấn đề nợ công của Hy Lạp. Người phát ngôn này khẳng định "lập trường của quỹ rất rõ ràng và không thay đổi". 

Trước đó, tạp chí "Der Spiegel" của Đức đưa tin các chủ nợ châu Âu hy vọng IMF sẽ giải ngân 5 tỷ euro cho Hy Lạp tiếp sau khoản giải ngân kỳ vọng đầu tiên 16 tỷ euro. 

Những bất đồng hiện nay giữa các chủ nợ đe dọa "đóng băng" khoản cứu trợ cho Hy Lạp. IMF đưa ra điều kiện yêu cầu các nước Khu vực Sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới. IMF cho rằng ngay cả khi thực hiện đầy đủ các chương trình cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm nợ đáng kể để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững.

Tuy nhiên, điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone. Theo kế hoạch, Thủ tướng Đức Angela Merkel (An-giê-la Méc-ken) và Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde (Cri-xtin La-gác-đơ) sẽ có cuộc gặp vào tuần tới để thảo luận về những bất đồng liên quan đến vấn đề nợ công của Hy Lạp. 

Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay. Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế.

Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, tương đương 160% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone. Việc đạt được một thỏa thuận giữa các chủ nợ đang trở thành vấn đề cấp bách của Hy Lạp bởi theo kế hoạch tháng 7/2017, Athens sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ euro tiền nợ cho các chủ nợ và chắc chắn, nước này sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ và buộc phải rời khỏi Eurozone nếu không được "bơm" thêm tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục