IMF: Kinh tế Đức lại "đội sổ" trong số các quốc gia công nghiệp hoá

09:39' - 17/04/2024
BNEWS Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ ổn định trong năm nay trong khi kinh tế Đức vẫn còn rất nhiều vấn đề.

Ngày 16/4, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Đức, từ mức 0,5% như dự báo hồi tháng Một xuống mức ít ỏi 0,2%. Không có nền kinh tế phát triển nào trên thế giới có tốc độ tăng trưởng èo uột như vậy.

 
IMF đề cập đến tình trạng tiêu dùng yếu kém kéo dài bên cạnh nhiều lý do khác. Đức bị ảnh hưởng nhiều hơn các nền kinh tế lớn khác bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến chi phí năng lượng ở nước này tăng cao.

Theo phóng viên TTXVN tại CHLB Đức, năm ngoái, kinh tế Đức suy giảm 0,3%, trong khi nhiều quốc gia khác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới lại tăng trưởng rõ rệt.

IMF dự báo Đức sẽ đạt mức tăng trưởng 1,3% năm 2025, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước, nhưng có thể thoát khỏi vị trí cuối bảng vì Italy và Nhật Bản có thể sẽ kém phát triển hơn.

Trên toàn cầu, IMF dự báo tăng trưởng ở mức 3,2% trong cả năm nay và năm tới, tương tự như năm 2023, cho thấy sự ổn định sau những đợt suy thoái lớn do xung đột Nga-Ukraine và lạm phát gia tăng mạnh sau đó.

IMF kỳ vọng lạm phát sẽ giảm, cho phép sớm cắt giảm lãi suất. Nhà kinh tế trưởng của IMF, Pierre-Olivier Gourinchas, cho biết nền kinh tế toàn cầu có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc. Mặc dù có nhiều dự báo ảm đạm, thế giới đã tránh được suy thoái kinh tế. Vòng xoáy giá-lương được kiểm soát. Lạm phát hiện đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên, quá trình bình thường hóa thể hiện rõ ràng hơn ở các nước công nghiệp phát triển so với các nước nghèo hơn.

Chuyên gia Gourinchas cho biết, hầu hết các chỉ số đều cho thấy một "cuộc hạ cánh nhẹ”. Tổ chức tài chính quốc tế có trụ sở tại Washington này lạc quan hơn đáng kể về nền kinh tế Mỹ, dự kiến sẽ tăng 2,7% và 1,9% lần lượt trong năm 2024 và 2025.

Tuy nhiên, dự báo đối với khu vực Eurozone, vốn bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi hậu quả của xung đột ở Ukraine, đã bị hạ thấp, phần lớn là do kinh tế Đức yếu kém.

Trên bình diện quốc tế, động lực chính là các nền kinh tế mới nổi chủ chốt như Trung Quốc và Ấn Độ. Nga, đang tăng trưởng nhanh hơn đáng kể so với giả định trước đây – lần lượt ở mức 3,2% và 1,8% vào năm 2024 và 2025.

IMF nhấn mạnh cơ hội và rủi ro một lần nữa được cân bằng. Lạm phát vẫn đóng vai trò quan trọng, có khả năng tiếp tục giảm kể từ mức đỉnh điểm vào giữa năm 2022, nhưng với tốc độ khác nhau. Ở các nước công nghiệp phát triển, dự kiến tỷ lệ này là 2,6% vào năm 2024, sau đó là 2% vào năm 2025.

Lạm phát giảm sẽ mở đường cho cắt giảm lãi suất trong nửa cuối năm nay, nhờ đó nền kinh tế sẽ được thúc đẩy. Tuy nhiên, ở các nước mới nổi và đang phát triển, tỷ lệ lạm phát được dự báo là 8,3% và 6,2% trong năm 2024 và 2025, cao hơn một chút so với dự báo hồi tháng Giêng.

IMF lại cảnh báo về nợ quốc gia tăng mạnh kể từ đại dịch COVID-19. Các chính phủ sẽ phải tạo ra các khoản đệm trong ngân sách của mình một lần nữa để có thể ứng phó với các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, điều này sẽ có tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong ngắn hạn.

Theo IMF, Trung Quốc phải tiếp tục kiểm soát khủng hoảng bất động sản trong nước. IMF cảnh báo, sự phát triển yếu kém của các nước nghèo sẽ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ trên thế giới.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục