IMF quan ngại về sự phân mảnh địa kinh tế

14:42' - 28/10/2022
BNEWS Theo Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của IMF, đã có những dấu hiệu ban đầu đáng lo ngại của sự phân mảnh địa kinh tế, với việc các quốc gia áp đặt nhiều hạn chế thương mại hơn.

Giới chuyên gia tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, rủi ro về sự phân mảnh địa kinh tế lớn hơn đang có chiều hướng gia tăng, có thể gây ra tác động tiêu cực đến triển vọng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CA-TBD), đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần phải có những tính toán và điều chỉnh phù hợp.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố báo cáo về triển vọng kinh tế khu vực CA-TBD ngày 28/10 tại Singapore, ông Krishna Srinivasan, Giám đốc khu vực CA-TBD của IMF cho biết hiện đã có những dấu hiệu ban đầu đáng lo ngại của sự phân mảnh địa kinh tế, với sự không chắc chắn trong chính sách thương mại tăng đột biến và các quốc gia áp đặt nhiều hạn chế thương mại hơn.

Ngay cả khi không có các hạn chế thực tế, sự không chắc chắn lớn hơn về chính sách thương mại có thể gây ra những hậu quả kinh tế vĩ mô bất lợi trong ngắn hạn. Một cú sốc điển hình đối với sự không chắc chắn trong chính sách thương mại, như sự gia tăng căng thẳng Mỹ-Trung vào năm 2018, sẽ làm giảm đầu tư khoảng 3,5% sau hai năm.

Báo cáo của IMF tựa đề “Triển vọng Kinh tế CA-TBD: Chèo lái trong những cơn gió ngược” cho rằng ngoài những dấu hiệu ban đầu về phân mảnh thương mại, hiện cũng có quan ngại ngày càng lớn về phân mảnh tài chính, với những dấu hiệu ban đầu đang ngày càng rõ nét, làm gia tăng thêm thiệt hại cho sự phân mảnh thương mại.

Báo cáo cũng xem xét một kịch bản phân mảnh minh họa, trong đó thế giới chia thành các khối thương mại riêng biệt và cho thấy nó sẽ gây ra tổn thất sản lượng lớn, vĩnh viễn. Tổn thất này có thể đặc biệt nghiêm trọng đối với châu Á, do vai trò quan trọng của khu vực trong sản xuất và thương mại toàn cầu. Chỉ những thiệt hại từ năng suất thấp hơn đã có thể làm giảm sản lượng trong khu vực tới 3,3 điểm phần trăm. Tổng thiệt hại có thể lớn hơn thế nhiều khi đầu tư sụt giảm do các doanh nghiệp mất khả năng tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Các chuyên gia IMF cũng cho rằng khu vực CA-TBD đang và sẽ phải đối mặt với ba “cơn gió ngược” ghê gớm, có thể sẽ tồn tại dai dẳng. "Cơn gió ngược" đầu tiên là thắt chặt tài chính toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã trở nên quyết liệt hơn nhiều trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao. Điều này đã dẫn đến các điều kiện tài chính thắt chặt hơn cho châu Á.

"Cơn gió ngược" thứ hai là xung đột ở Ukraine với tác động chính đến khu vực châu Á là giá hàng hóa tăng vọt và hiện vẫn ở mức cao. Hầu hết các quốc gia ở châu Á đã chứng kiến sự suy giảm về khía cạnh thương mại của họ và đây là một yếu tố quan trọng đằng sau sự sụt giảm giá trị của các đồng tiền trong năm nay.

"Cơn gió ngược" thứ ba là sự giảm tốc mạnh ở Trung Quốc. IMF đã hạ mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2022 xuống còn 3,2%, mức thấp thứ hai kể từ năm 1977, phản ánh tác động của chính sách “Không COVID” và cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản. Sự chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc sẽ có tác động mạnh đến phần còn lại của châu Á.

Đánh giá về kinh tế ASEAN và Việt Nam, giới chuyên gia IMF cho rằng các nước ASEAN vẫn hồi phục mạnh trong năm 2022 nhờ dịch vụ, tiêu dùng và xuất khẩu tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, các động lực tăng trưởng sẽ giảm bớt trong năm 2023, do nhu cầu bên ngoài yếu hơn, gián đoạn chuỗi cung ứng cũng như các điều kiện tài chính thắt chặt hơn.

Chuyên gia kinh tế Davide Furceri của IMF nhận định, Việt Nam vẫn là điểm sáng tại khu vực trong tiến trình phục hồi, có thể đạt mức tăng trưởng 7,0% trong năm 2022 nhờ chính sách tiền tệ đúng đắn, sự hỗ trợ tài khóa kịp thời, nhu cầu bên ngoài vẫn mạnh trong nửa đầu năm 2022. Bước sang năm 2023, dự báo tăng trưởng của Việt Nam sẽ giảm xuống 6,2% theo xu thế chung, nhưng đây vẫn là một trong những mức cao nhất ở khu vực.

Cũng theo chuyên gia Davide Furceri, tiến trình phân mảnh địa kinh tế đang diễn ra sẽ dẫn tới những gián đoạn về thương mại cũng như sự sụt giảm đầu tư trong ngắn hạn. Đây là một rủi ro không chỉ với Việt Nam mà còn với nhiều nền kinh tế khác. Một rủi ro khác là căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong bối cảnh rủi ro phân mảnh địa kinh tế và những "cơn gió ngược" tác động tới khu vực, các chuyên gia IMF đã đề xuất một số ưu tiên đối với các nhà hoạch định chính sách của khu vực, đó là cần phải thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ để đảm bảo rằng lạm phát trở lại mục tiêu và kỳ vọng lạm phát vẫn được duy trì tốt. Ngoài ra, việc củng cố tài khóa là cần thiết để ổn định nợ công và hỗ trợ chính sách tiền tệ.

Ông Krishna Srinivasan nhấn mạnh tới sự cần thiết phải hợp tác quốc tế để gỡ bỏ các hạn chế thương mại, giảm sự không chắc chắn về chính sách và thúc đẩy thương mại mở và ổn định - cả khu vực và toàn cầu - để tránh các kịch bản phân mảnh có hại nhất và để đảm bảo rằng thương mại tiếp tục hoạt động như một động lực của tăng trưởng kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục