Indonesia ban hành quy định về định giá carbon

16:05' - 03/11/2021
BNEWS Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) đã ký ban hành một nghị định về định giá carbon, nhằm thực hiện các mục tiêu quốc gia tự xác định (NDC) và không phát thải ròng (NZE).

Người đứng đầu Cơ quan Chính sách Tài khóa (BKF) thuộc Bộ Tài chính Indonesia Febrio Nathan Kacaribu ngày 2/11 cho biết nghị định về định giá carbon là cột mốc quan trọng trong việc định hướng chính sách của Indonesia hướng tới các mục tiêu NDC 2030 và NZE 2060.

Nghị định đã được chính Tổng thống Jokowi công bố tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh.

Theo Ban Thư ký Nhà nước, nghị định đã được ký ban hành trước đó vài ngày song vẫn chưa được chính phủ công bố chi tiết.

Theo dự thảo nghị định trước đó, các công ty sẽ không được phép chuyển nhượng chứng chỉ carbon trừ phi tuân thủ các thủ tục báo cáo và theo dõi để được đưa vào sổ đăng ký quốc gia của Bộ Môi trường và Lâm nghiệp.

Nghị định cũng đưa ra một mức thuế carbon song chưa được quy định chặt chẽ. Nghị định cũng đề cập đến việc thành lập một ủy ban chỉ đạo để giám sát quá trình triển khai. Ủy ban này do Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề hàng hải và đầu tư đứng đầu, và Bộ trưởng Điều phối Kinh tế giữ chức Phó chủ tịch.

Bà Shinta Kamdani, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia (Kadin), đồng thời là Điều phối viên về các vấn đề hàng hải và đầu tư, đã hoan nghênh việc ban hành nghị định, cũng như việc các doanh nghiệp cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trước khi nghị định được ban hành, Kadin đã tỏ ra quan tâm đến việc tham gia thành lập thị trường carbon của Indonesia.

Trong một tuyên bố hôm 27/10, Kadin cho biết có kế hoạch khởi động thị trường carbon tự nguyện trong nước thông qua việc ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) tại COP26 và tạo điều kiện cho việc thành lập thị trường carbon. Kadin cũng khuyến nghị thành lập một lực lượng đặc nhiệm công-tư để thiết kế và thiết lập hệ sinh thái thương mại carbon trong nước.

Giám đốc điều hành Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Indonesia (METI) Paul Butarbutar cho rằng kế hoạch thương mại carbon được nêu trong nghị định sẽ giúp ích nhiều hơn là cản trở các hoạt động kinh doanh.

Đề cập đến kế hoạch đánh thuế bổ sung của các nước châu Âu đối với các loại hàng hóa được sản xuất với lượng khí thải carbon cao, ông Butarbutar cho rằng nếu tụt hậu so với các nước khác trong việc cắt giảm lượng khí thải, Indonesia sẽ trở nên kém cạnh tranh hơn. Trên hết, chính sách này sẽ thúc đẩy các công ty hoạt động hiệu quả hơn và với chi phí thấp hơn.

Một nghiên cứu năm 2018 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cho thấy rằng các biện pháp hạn chế phát thải trong khuôn khổ hệ thống buôn bán khí thải (ETS) của Liên minh châu Âu đã không ảnh hưởng đến doanh thu, lợi nhuận hoặc việc làm tại các công ty được khảo sát từ năm 2005-2014. Thay vào đó, doanh thu của các công ty này cao hơn từ 7-18% so với khi chưa có ETS.

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Cải cách và Dịch vụ Thiết yếu (IESR) Fabby Tumiwa cho rằng chính phủ cần thông báo rộng rãi các quy tắc mới cho công chúng do quá trình thảo luận thiếu rõ ràng và minh bạch.

Trên hết, cần có một cơ chế tuân thủ chi tiết hơn để kích hoạt sự thay đổi hành vi của các doanh nghiệp, từ đó tăng cường đầu tư vào công nghệ carbon thấp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục