Indonesia có thể áp thuế xuất khẩu nickel trong năm nay

07:48' - 21/08/2022
BNEWS Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cho biết Indonesia có thể áp thuế đối với xuất khẩu nickel trong năm nay.

Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) cho biết Indonesia có thể áp thuế đối với xuất khẩu nickel trong năm nay trong bối cảnh quốc gia sản xuất kim loại dùng cho pin xe điện (EV) lớn nhất thế giới này đang tìm cách tinh chế trong nước.

Ngày 18/8, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, Tổng thống Jokowi xác nhận rằng nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang xem xét áp thuế xuất khẩu nickel. Lời xác nhận này được đưa ra sau khi một quan chức Chính phủ Indonesia hồi đầu năm 2022 cho biết Jakarta đang nghiên cứu áp thuế lũy tiến đối với nickel gang và ferronickel.

 

Việc thế giới chuyển sang EV đã khiến nhu cầu về các loại kim loại dừng để sản xuất pin bao gồm nickel, lithium và coban tăng vọt.

Trong khi Indonesia được hưởng lợi từ việc tăng giá nickel vốn cũng được sử dụng để sản xuất thép không gỉ, Tổng thống Jokowi mong muốn quốc gia này phát triển chuỗi cung ứng EV và cuối cùng dừng mọi hoạt động xuất khẩu nguyên liệu thô.

Theo ông Jokowi, Indonesia muốn gia tăng giá trị sản xuất địa phương để tăng thu ngân sách nhà nước và tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn. Nhà lãnh đạo này khẳng định: “Đó là những gì chúng tôi muốn với bauxite, đồng, thiếc, dầu cọ thô và những thứ khác. Chúng tôi không đóng cửa mà thực sự đang mở cửa”.

Hồi cuối năm ngoái, ông Jokowi cho biết hoạt động tinh chế nickel có thể tạo ra giá trị gia tăng lên tới 35 tỷ USD. Tuy nhiên, việc áp thuế đối với mặt hàng này có thể làm giảm nguồn thu xuất khẩu trong ngắn hạn và cũng có thể làm tăng giá toàn cầu vốn đã tăng khoảng 1/3 kể từ cuối năm 2020.

Nickel là một trong những mặt hàng xuất khẩu lớn của Indonesia cùng với than đá và dầu cọ. Nước này đã gây chấn động thị trường toàn cầu vào đầu năm nay khi tạm cấm xuất khẩu dầu cọ để kiềm chế lạm phát. Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước đang phải vật lộn với việc giá cả lương thực tăng vọt, làm dấy lên lo ngại về lạm phát thực phẩm ngày càng trầm trọng.

Chính phủ Indonesia sau đó đã tiếp tục cho phép xuất khẩu dầu cọ khi các kho dự trữ trong nước phục hồi, song áp dụng chính sách nghĩa vụ thị trường nội địa (DMO), theo đó yêu cầu các nhà sản xuất tiêu thụ một phần sản phẩm ở thị trường trong nước.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 18/8, Tổng thống Jokowi cho biết DMO sẽ được dỡ bỏ nếu thị trường ổn định và các lợi ích quốc gia sẽ được ưu tiên. Ông Jokowi cũng xác nhận rằng Indonesia sẽ áp thuế carbon trước cuối năm nay - bước đầu tiên trong tiến trình hướng tới trung hòa carbon.

Lần đầu tiên được công bố vào năm 2021, việc áp thuế carbon đã bị trì hoãn vào đầu năm nay trong bối cảnh chính phủ tìm cách bảo vệ người dân khỏi các tác động của giá cả lương thực và nhiên liệu tăng cao.

Indonesia - nhà xuất khẩu than nhiệt lớn nhất thế giới - sẽ trở thành quốc gia đang phát triển đầu tiên ở châu Á đánh thuế khí thải, ban đầu được áp đặt ở mức 30.000 rupiah (hơn 2 USD)/tấn CO2 đối với các nhà máy nhiệt điện chạy than.

Tổng thống Jokowi khẳng định rằng Indonesia có “mục tiêu đầy tham vọng” đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060, song điều này sẽ cần công nghệ và vốn tài trợ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục