Indonesia, Hàn Quốc thăm dò hợp tác trong lĩnh vực thu hồi và lưu trữ carbon

09:08' - 08/12/2023
BNEWS Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã lên kế hoạch sử dụng công nghệ CCS/CCUS trong ngành khai thác dầu khí để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NZE) vào năm 2060 hoặc sớm hơn.
Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia (ESDM) đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác với Hàn Quốc để phát triển các hoạt động thu hồi và lưu trữ carbon/thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon (CCS/CCUS).

Chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đã lên kế hoạch sử dụng công nghệ CCS/CCUS trong ngành khai thác dầu khí để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (NZE) vào năm 2060 hoặc sớm hơn.

Tổng cục trưởng Dầu khí Tutuka Ariadhi cho biết, Indonesia đặt mục tiêu giảm phát thải 231,2 triệu tấn CO2 vào năm 2025, 388 triệu tấn vào năm 2030 và 1.043,8 triệu tấn vào năm 2050.

 
Theo ông Tutuka, Indonesia đang tìm cách triển khai công nghệ CCS/CCUS trong 15 dự án dầu khí được triển khai từ Sumatra đến Papua, trong đó hầu hết các dự án đều đặt mục tiêu đi vào hoạt động vào năm 2030.

Ông Tutuka cho hay. tổng giá trị đầu tư của 12 dự án trên ước tính lên tới 7,97 tỷ USD. Do đó, Indonesia sẵn sàng thảo luận hợp tác về CCS/CCUS với phía Hàn Quốc trong khuôn khổ các hiệp định carbon xuyên biên giới.

Mới đây, Indonesia đã thông qua Quy định số 2/2023 của Bộ trưởng ESDM về việc thực hiện các dự án CCS/CCUS trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm các điều khoản về thu hồi, vận chuyển, bơm, lưu trữ và sử dụng carbon.

Indonesia cũng có kế hoạch ban hành một quy định khác để triển khai công nghệ CCS/CCUS ngoài lĩnh vực dầu khí. Theo ông Tutuka, văn bản này sẽ quy định hoạt động cấp giấy phép thăm dò và lưu trữ carbon.

Trong khi đó, hoạt động vận chuyển CO2 xuyên biên giới sẽ được quy định trong một thỏa thuận quốc tế giữa chính phủ Indonesia và chính phủ các nước, và sẽ được triển khai theo cơ chế hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục