Ngành hàng không châu Âu hướng tới mục tiêu giảm khí thải carbon

10:16' - 01/12/2023
BNEWS Các hãng hàng không châu Âu đang đẩy mạnh đầu tư và ký kết thỏa thuận hợp tác để có được nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững.

Trong nỗ lực đạt được các mục tiêu cắt giảm lượng khí thải carbon trong ngành hàng không mà Liên minh châu Âu (EU) đề ra, các hãng hàng không châu Âu đang đẩy mạnh đầu tư và ký kết thỏa thuận hợp tác để có được nguồn cung nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).

Việc sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững hay còn gọi là nhiên liệu thay thế làm từ các nguyên liệu sinh học có thể giúp cắt giảm tới 80% lượng khí thải carbon so với sử dụng nhiên liệu truyền thống. Đây được xem là một biện pháp giúp ngành hàng không châu Âu đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 vào năm 2050.

 

Trong tháng này, hãng hàng không Air France - KLM đã đầu tư 4,7 triệu USD vào nhà máy sản xuất SAF tại bang Louisiana của Mỹ. Nhà máy này thuộc DG Fuels - công ty mới nổi trong lĩnh vực nhiên liệu hàng không bền vững. Bước đi này của Air France - KLM nhằm đạt được mục tiêu sử dụng nhiên liệu thay thế trong 10% tổng số chuyến bay của hãng từ nay đến năm 2030. Trước đó, hôm 18/9, hãng hàng không lớn nhất châu Âu này đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với công ty năng lượng OMV của Áo để mua hơn 300.000 tấn SAF từ nay đến năm 2030.

Khởi động sớm hơn Air France-KLM, từ tháng 9/2022, hãng hàng không giá rẻ Easyjet của Anh đã ký thỏa thuận cung cấp nhiên liệu thay thế với Q8Aviation - một đơn vị cung cấp nhiên liệu hàng không thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc tế Kuwait.

Hãng hàng không Phần Lan Finnair hồi tháng 6/2022 cũng đã ký thỏa thuận với nhà sản xuất nhiên liệu tái tạo Gevo có trụ sở ở Mỹ. Theo hợp đồng trị giá 192 triệu USD, mỗi năm, Gevo cung cấp 21.000 tấn SAF cho Finnair, bắt đầu từ năm 2027 và kéo dài trong vòng 5 năm.

Hồi tháng 8 năm nay, tập đoàn hàng không IAG, công ty mẹ của British Airways và Iberia, đã ký thỏa thuận mua 14.700 tấn nhiên liệu thay thế trong năm 2023 của công ty năng lượng Phillips 66 có trụ sở ở Mỹ.

Các hãng hàng không khác như Jet2 và Virgin Atlantic (Anh), Lufthansa (Đức), Norwegian Air (Na Uy) và Ryanair (Ireland) cũng có những bước đi tương tự.

Trước đó, ngày 24/11, Liên hợp quốc (LHQ) đã chủ trì Hội nghị về Hàng không và Nhiên liệu thay thế tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Các quan chức ngành hàng không toàn cầu đã tranh luận mức mục tiêu cắt giảm lượng khí thải trong ngành hàng không từ 5% đến 8% vào năm 2030 thông qua việc sử dụng nhiên liệu ít gây ô nhiễm hơn.

Các hãng hàng không trên thế giới đang chịu áp lực phải giảm lượng khí thải khi hoạt động đi lại phục hồi sau đại dịch COVID-19. Tại cuộc họp của Tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) vào năm 2022, các nước tham dự đặt mục tiêu đưa mức phát thải ròng về bằng 0 trong ngành hàng không vào năm 2050.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục