Indonesia: Hơn 10 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trực tuyến

09:18' - 10/11/2020
BNEWS Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) kinh doanh trực tuyến tại Indonesia đã đạt 10,2 triệu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình số hóa tại quốc gia Đông Nam Á này.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến hôm 5/11, Bộ trưởng Hợp tác xã và SME Indonesia Teten Masduki cho biết tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng thương mại trực tuyến đã tăng lên 16% so với mức 13% hồi đầu năm nay.

Theo ông Teten, đây là một sự cải thiện khá lớn. Các SME thích ứng thành công với mô hình tiêu dùng mới và đổi mới sản phẩm được kỳ vọng sẽ thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19.

Với mức tăng trên, Indonesia đã đạt được mục tiêu 10 triệu SME kinh doanh trực tuyến trong năm nay.

Các SME - vốn chiếm hơn 60% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và sử dụng phần lớn lực lượng lao động tại Indonesia - đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nền kinh tế đã rơi vào suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp.

Hoạt động thương mại trực tuyến của các SME đã gia tăng mạnh khi nhiều người tiêu dùng tránh xa các cửa hàng, chợ truyền thống và chuyển sang các nền tảng mua sắm trực tuyến để tuân thủ yêu cầu giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan.

Trích dẫn dữ liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Wishnutama cho hay số lượng các giao dịch thương mại điện tử đã tăng 39% lên 383 triệu trong quý I và II/2020.

Theo Bộ trưởng Wishnutama, Bộ này đã phát động phong trào thúc đẩy các doanh nghiệp thời trang và ẩm thực trong khuôn khổ chiến dịch quốc gia nhằm quảng bá các sản phẩm địa phương. Phong trào đã giúp doanh thu của các doanh nghiệp tham gia tăng 170% thông qua các nền tảng kỹ thuật số.

Về phần mình, bà Neneng Goenadi, Giám đốc điều hành hãng đặt xe công nghệ Grab Indonesia, cho biết ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn dịch vụ giao đồ ăn GrabFood.

Song song với đó, số lượng người bán chuyển đổi sang thương mại trực tuyến cũng gia tăng mạnh. Chỉ riêng trong tháng 7-8/2020, số người bán trên GrabFood tăng tới 153%.

Bà Neneng nhấn mạnh: “Người tiêu dùng thích nghi với mua sắm trực tuyến nhanh hơn bao giờ hết. Điều này tạo cơ hội cho các thương gia tiếp cận khách hàng mới”.

Giống như các công ty khởi nghiệp khác, Grab Indonesia đang hợp tác với chính phủ để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ kinh doanh trực tuyến với mục tiêu thu hút hơn 400.000 SME trong cả năm nay./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục