Indonesia khai trương hệ thống một cửa quốc gia 2.0

08:25' - 10/06/2023
BNEWS Ngày 9/6, Indonesia đã kỷ niệm thành lập Cơ chế một cửa quốc gia (INSW) với chủ đề “Sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh chuyển đổi dịch vụ công để thúc đẩy đất nước”, đồng thời ra mắt hệ thống INSW 2.0.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 9/6, chính phủ Indonesia đã tổ chức Lễ kỷ niệm thành lập Cơ chế một cửa quốc gia (INSW) với chủ đề “Sức mạnh tổng hợp trong bối cảnh chuyển đổi dịch vụ công để thúc đẩy đất nước”, đồng thời ra mắt hệ thống INSW 2.0.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati đã kêu gọi sự phối hợp giữa các bộ ngành để phát triển hệ thống INSW nhằm hỗ trợ lĩnh vực hậu cần quốc gia, đồng thời cho rằng Indonesia cần cải thiện Chỉ số hiệu suất hậu cần (LPI) và giảm chi phí hậu cần vốn vẫn còn cao so với các nước châu Á và các nước đang phát triển khác.

Bà Indrawati nhấn mạnh: “Để đạt được mục tiêu này, cần có những nỗ lực liên tục của các bộ ngành nhằm đơn giản hóa các dịch vụ”, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đóng góp ý kiến để phát triển hệ thống INSW, giúp tiến hành các bước cải tiến phù hợp với nhu cầu của mình”.

 

Theo bà Indrawati, LNSW thuộc Bộ Tài chính đang nỗ lực cải thiện hệ thống INSW để tất cả các doanh nghiệp có thể sử dụng. Trong bối cảnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành sẽ giúp dữ liệu để các doanh nghiệp không cần nhập liệu nhiều lần. Mặt khác, việc đơn giản hóa các dịch vụ của các bộ ngành cũng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh các quy trình cần thiết, qua đó giúp ngành logistics của Indonesia tăng khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Về phần mình, Bộ trưởng Điều phối Airlangga Hartarto đánh giá cao nỗ lực của Cơ quan một cửa quốc gia (LNSW) vốn đóng vai trò chính trong việc cải cách và chuyển đổi các dịch vụ công, đặc biệt là thông qua Hệ thống và Cổng thông tin quốc gia đã được tích hợp điện tử.

Ông Airlangga cho rằng việc củng cố thể chế của LNSW đã cho thấy hiệu quả tốt. Cụ thể, thời gian giải quyết các thủ tục logistics đã giảm xuống còn 2,84 ngày vào năm 2022, so với mức 4,06 ngày ở nhà năm 2017. Ngoài ra, INSW không nên chỉ số hóa các dịch vụ hoặc quy trình kinh doanh, mà còn phải tiếp tục thực hiện “hài hòa hóa và đồng bộ hóa, đơn giản hóa và tiêu chuẩn hóa”.

Ông Airlangga nhấn mạnh: “Sự phát triển INSW mang tính chất năng động và thích ứng với đòi hỏi và nhu cầu quốc gia, cũng như sự phát triển của thực tiễn thương mại và logistics quốc tế. Việc phát triển INSW không chỉ xây dựng hệ thống Một cửa mà còn cần phải phù hợp với quy định của Thỏa thuận và Nghị định thư Một cửa ASEAN (ASW)”.

Bộ trưởng cao cấp này cũng bày tỏ hy vọng rằng, trong tương lai, LNSW sẽ có thể hiện thực hóa tầm nhìn trở thành động lực chính để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của dịch vụ công thông qua việc triển khai và quản lý các hệ thống điện tử tích hợp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và hậu cần, từ đó tăng khả năng cạnh tranh quốc gia.

INSW được thành lập vào năm 2010 và hiện do LNSW quản lý. Hệ thống này cho phép đơn giản hóa quy trình thương mại xuất nhập khẩu, tích hợp các quy trình cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu, tăng cường giám sát Hệ thống thu ngân sách nhà nước phi thuế quan PNBP Minerba, cũng như triển khai ứng dụng Đặc khu kinh tế (KEK).

Theo báo cáo LPI năm 2023 của Ngân hàng Thế giới (WB), thứ hạng ngành hậu cần của Indonesia đã sụt giảm 17 bậc, từ vị trí thứ 46 vào năm 2018 xuống vị trí thứ 63 vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với các quốc gia láng giềng trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (thứ nhất), Malaysia (thứ 31) và Thái Lan (thứ 37)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục