Indonesia lên kế hoạch tiếp tục tăng thuế thuốc lá

06:51' - 04/09/2021
BNEWS Chính phủ Indonesia đã nỗ lực tăng giá thuốc lá nhằm làm mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. 

Chính phủ Indonesia đang lên kế hoạch tăng thuế thuốc lá (CHT) trong một nỗ lực nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc, đặc biệt là ở trẻ em, với mức mục tiêu xuống còn 8,7% vào năm 2024.

Cố vấn đặc biệt của Bộ Tài chính về chính sách tài khóa, ông Titik Anas, cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục tăng CHT trong năm 2022 song hiện vẫn chưa xác định được mức độ tăng.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến ngày 2/9, ông Titik cho hay: “Nếu chúng ta nhìn vào dữ liệu năm 2019, tỷ lệ hút thuốc ở trẻ em vẫn ở mức 9,1%. Vì vậy, vẫn còn phải cắt giảm khá nhiều”.

Chính phủ Indonesia đã nỗ lực tăng giá thuốc lá nhằm làm mặt hàng này trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. Điều này được phản ánh qua sự gia tăng chỉ số khả năng chi trả cho thuốc lá trong hai năm qua.

Cụ thể, năm 2020, chỉ số khả năng chi trả cho thuốc lá đã tăng lên 4,3% so với mức 3,9% vào năm trước đó. Trong năm nay, chỉ số này tiếp tục tăng lên mức 4,6%.

Ông Titik nhấn mạnh: “Giá thuốc lá ở Indonesia hiện cao hơn so với Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Song nếu chúng tôi so sánh với Singapore và Malaysia, nó vẫn còn tương đối rẻ”.

Trong Dự thảo Ngân sách Nhà nước năm 2022 (RAPBN), Chính phủ đặt mục tiêu tăng 12% nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, từ mức ước tính 182.200 tỷ rupiah (hơn 12,7 tỷ USD) trong năm 2021 lên 203.900 tỷ rupiah.

Trước đó, vào cuối năm 2020, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, với mức tăng trung bình 12,5%, có hiệu lực từ ngày 1/2/2021.

 Đây được xem là quyết định mạnh tay của Chính phủ nước này nhằm hạn chế nhu cầu thuốc lá của người dân ở thị trường thuốc lá lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc này.

Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani cho biết, chính sách tiêu thụ đặc biệt mới có hiệu lực vào ngày 1/2/2021 nhằm giảm tỷ lệ hút thuốc ở thanh niên xuống 8,7% vào năm 2024, từ mức 9,1% hiện nay. Tuy nhiên thuế tăng có nguy cơ sẽ làm gia tăng việc buôn lậu thuốc lá ở nước này.

Chính phủ Indonesia tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá gần như hàng năm kể từ năm 2014, nhưng dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên từ 10-19 tuổi đã tăng khoảng 20% trong giai đoạn 5 năm tính đến năm 2018, trong khi tỷ lệ người trưởng thành không suy giảm, trái với xu hướng chung trên toàn cầu.

Theo WHO, ở Indonesia có khoảng 70% nam giới trưởng thành sử dụng các sản phẩm thuốc lá, là một trong những tỷ lệ cao nhất trên toàn cầu. Tỷ lệ hút thuốc ở Indonesia là 29%, chỉ thấp hơn Trung Quốc và Ấn Độ. Mỗi năm có khoảng 225.700 người ở Indonesia chết vì hút thuốc hoặc các bệnh liên quan đến thuốc lá./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục