Indonesia: Luật tạo việc làm mới có thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch?

05:30' - 03/06/2021
BNEWS Chính phủ Indonesia cho rằng luật tạo việc làm mới là cuộc cải tổ lớn về hệ thống các quy chế và là nền tảng thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Theo Diễn đàn Đông Á, luật tạo việc làm mới của Indonesia (còn được biết với tên gọi Omnibus) đã bị chỉ trích mạnh mẽ và là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình phản đối tại nước này vào cuối năm 2020.

Trong khi đó, Jakarta lại cho rằng Omnibus là một cuộc cải tổ lớn về hệ thống các quy chế, quy định của Indonesia và là nền tảng thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, từ đó tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

Khắc phục những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế

Giới phân tích cho rằng trên thực tế, Omnibus thiếu hụt các điều khoản quan trọng của một đạo luật, có nghĩa là việc thực hiện thành công Omnibus vẫn sẽ bị chi phối bởi sự thiếu chặt chẽ của việc triển khai đạo luật này.

Loạt quy định thực thi đầu tiên được ban hành trong năm 2021 cho thấy một số hứa hẹn thông qua việc đưa ra các bước quan trọng để tự do hóa thị trường lao động và cắt bỏ rất nhiều hạn chế đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Bất chấp những hạn chế quan trọng, điều này thể hiện loạt cải cách tự do hóa nghiêm túc đầu tiên được đưa ra dưới thời Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) sau gần 7 năm cầm quyền.

Mặc dù đã có 16 cái được gọi là "gói cải cách" được đưa ra trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Jokowi, song những gói này không đủ tham vọng để mang lại nhiều lợi ích đối với việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều việc làm trong khu vực chính thức của nền kinh tế quốc gia Đông Nam Á.

Trong khi đó, Indonesia cũng không thành công trong việc thu hút các FDI lớn hơn hoặc nắm bắt các chuỗi cung ứng quốc tế dịch chuyển từ Trung Quốc, vốn chủ yếu hướng đến các nơi khác trong khu vực.

Trong bối cảnh đó, các biện pháp mới nhất của Omnibus được giới thiệu khắc phục đáng kể những vấn đề tồn tại lâu nay trong bộ luật lao động về khả năng cạnh tranh quốc tế của Indonesia, trong khi vẫn giữ nguyên các biện pháp bảo vệ người lao động mạnh mẽ.

Thứ nhất, các khoản thanh toán nghỉ việc mà công ty phải cung cấp khi sa thải công nhân đã được thu nhỏ lại đáng kể, giúp giảm khoảng 50% chi phí cho việc này một cách hiệu quả. Điều này sẽ khiến Indonesia tương xứng với các nước châu Á khác, thay vì đưa ra các yêu cầu trả khoản phí nghỉ việc cho công nhân ở mức cao nhất trên thế giới như trước đây.

Thứ hai, các quy định về tăng lương tối thiểu đã được thắt chặt đáng kể. Điều này sẽ giúp kiềm chế sự gia tăng nhanh chóng đang làm xói mòn khả năng cạnh tranh bên ngoài của Indonesia trong khi vẫn không đóng vai trò là một mạng lưới an toàn hiệu quả cho người lao động. Trong 10 năm qua, năng suất lao động sản xuất của Indonesia tăng dưới 20%, trong khi mức lương tối thiểu danh nghĩa đã tăng gấp hai lần.

Mức tăng lương tối thiểu trong tương lai sẽ dựa trên lạm phát cục bộ hoặc tăng trưởng kinh tế thực tế (tùy theo mức nào cao hơn), thay vì lấy tổng của cả hai như trường hợp ông Jokowi đã áp dụng năm 2015 khi tìm cách thắt chặt các quy định. Đây là một bước tiến khác. Tuy nhiên, do tăng lương tối thiểu vẫn có thể vượt xa tốc độ tăng năng suất lao động nên đây vẫn là một giải pháp mang tính tạm thời chỉ có thể giải quyết vấn đề ở quy mô nhỏ.

Kết quả có thể khác nhau giữa các khu vực

Các cải cách FDI gần đây có khả năng biến đổi nhiều hơn, ít nhất là trong các quy định, quy chế. Indonesia trước đây có một trong những chính sách hạn chế FDI nhất trong số 84 nền kinh tế được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đánh giá. Các cải cách đã cắt giảm đáng kể số lượng ngành nghề kinh doanh bị hạn chế FDI từ 528 xuống còn 215, bao gồm các lĩnh vực quan trọng đối với nâng cấp công nghiệp như viễn thông, thương mại điện tử, giao thông, đào tạo nghề và y tế.

Tuy nhiên, môi trường đầu tư của Indonesia nổi tiếng là phức tạp, không chỉ vì tư lợi và tham nhũng, mà còn do sự mâu thuẫn giữa chế độ chính sách FDI ở cấp trung ương và chủ nghĩa bảo hộ ở cấp ngành nghề.

Do đó, kết quả cuối cùng có thể sẽ rất khác nhau giữa các khu vực. Ví dụ, lĩnh vực khai thác mỏ hiện đã hoàn toàn mở cửa cho sở hữu nước ngoài, nhưng các chính sách hiện hành của lĩnh vực khai khoáng vẫn yêu cầu thoái vốn dần dần cho phần lớn sở hữu trong nước.

Do sự ủng hộ của chính phủ đối với chủ nghĩa dân tộc tài nguyên, mâu thuẫn có thể là chủ ý. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực khác như viễn thông và xây dựng, các cải cách ngành tiếp theo có thể có nhiều khả năng hơn. Rất nhiều điều cũng sẽ phụ thuộc vào các quyết định và thực hành quản lý cụ thể trong các ngành riêng lẻ, ví dụ ngành dịch vụ y tế.

Những cải cách mới nhất cuối cùng có thể bị cản trở bởi các lực lượng bảo hộ. Tuy nhiên, phân tích của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy việc tự do hóa cơ chế chính sách FDI trung ương trong quá khứ đã thực sự khiến dòng vốn FDI tăng cao hơn, mang lại hy vọng rằng những cải cách mới nhất cũng sẽ được thực hiện nhiều hơn.

Trong khi đó, một loạt các rào cản khác vẫn còn tồn tại đối với việc thu hút đầu tư từ sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cho đến sự gia tăng hàng loạt các hàng rào phi thuế quan làm hạn chế khả năng tiếp cận các đầu vào tốt nhất và gây khó khăn khi tham gia vào các chuỗi cung ứng phức tạp xuyên biên giới quốc tế. Trước mắt, việc vượt qua đại dịch và phục hồi nền kinh tế trong nước là điều hoàn toàn cần thiết, đặc biệt là khi thị trường nội địa rộng lớn của Indonesia là điểm thu hút chính đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Các nhà hoạch định chính sách Indonesia dù sao cũng có quyền xem xét nghiêm túc hơn đối với FDI như một phần quan trọng của chiến lược phục hồi. FDI thường không chỉ mang lại những lợi ích quan trọng về năng suất, mà trước đại dịch, các con đường để tài trợ cho tăng trưởng và phát triển của Indonesia sẽ bị hạn chế rất nhiều.

Các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân đều sẽ bị thiệt hại về tài chính, từ đó kìm hãm đầu tư. Và trong khi chính sách tài khóa nên được sử dụng để hỗ trợ phục hồi, khả năng thực hiện điều này sẽ được kiểm tra bằng cách gia tăng các khoản thanh toán nợ và bắt buộc phải đưa thâm hụt ngân sách trở lại trong giới hạn pháp lý ở mức 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Khi nhu cầu trong nước phục hồi, thâm hụt tài khoản vãng lai cũng có thể trở lại như một lỗ hổng kinh tế vĩ mô chính. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối cùng sẽ tìm cách tháo gỡ các thiết lập chính sách về khủng hoảng của mình. Điều đó có thể có nguy cơ dẫn đến "cơn giận dữ" năm 2013 nhưng ở một thời điểm có khả năng gây hại hơn. Với những rủi ro như vậy, việc dựa nhiều hơn vào FDI thay vì dòng vốn đầu tư không ổn định sẽ là một lợi thế thực sự./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục