Indonesia sắp có quy định về ngân hàng kỹ thuật số vào giữa năm nay

09:20' - 17/02/2021
BNEWS Cơ quan Dịch vụ Tài chính (OJK), cơ quan giám sát tài chính của Indonesia, dự kiến sẽ ban hành quy định nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của các ngân hàng kỹ thuật số vào giữa năm nay.

Ông Anung Herlianto, Giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu và quy định ngân hàng thuộc OJK, cho biết cơ quan này sẽ không quy định chi tiết, thay vào đó là các nguyên tắc hướng dẫn đối với các ngân hàng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu rủi ro có thể phát sinh.
Ngân hàng kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, nơi tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh lên tới 70-80% song 1/3 trong tổng số 270 triệu dân vẫn chưa có tài khoản ngân hàng.
Mới đây, hai công ty công nghệ là Gojek có trụ sở tại Jakarta và Sea Ltd có trụ sở tại Singapore đã mua lại cổ phần của các ngân hàng có khả năng chuyển đổi thành ngân hàng kỹ thuật số. Ngoài ra, các ngân hàng truyền thống của Indonesia như BCA và Bank Mega cũng đã mua lại các ngân hàng nhỏ để có thể chuyển đổi thành ngân hàng kỹ thuật số.
Ông Anung cho hay hiện chưa có quyết định chắc chắn nào về việc cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số cho các nhà đầu tư mặc dù OJK vẫn để ngỏ về khả năng này. Theo ông Anung, OJK sẽ xem xét các lựa chọn như cho phép các công ty công nghệ mua lại các ngân hàng và biến chúng thành ngân hàng kỹ thuật số, hoặc cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số cho các nhà đầu tư.
Ông Anung tiết lộ rằng nếu OJK cấp giấy phép ngân hàng kỹ thuật số, các nhà đầu tư sẽ được yêu cầu bơm một lượng vốn tối thiểu như đối với các nhà đầu tư vào các ngân hàng thông thường. Các quy định khác, như yêu cầu duy trì thanh khoản như đối với các ngân hàng thông thường, cũng sẽ được đưa ra.
Theo ông Anung, OJK đang thảo luận với ngành ngân hàng và các bên liên quan khác nhằm thăm dò ý kiến trên tinh thần OJK muốn đáp ứng những gì ngành công nghiệp ngân hàng cần.
Hiện Indonesia có 108 ngân hàng thương mại và hơn 1.500 ngân hàng nông thôn phân bố trên khắp quần đảo rộng lớn. Quốc gia này đang nỗ lực giảm bớt số lượng các ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng nhỏ được yêu cầu sáp nhập hoặc bán cho các ngân hàng lớn đủ tiềm lực.

Kể từ ngày 1/1 vừa qua, các ngân hàng phải đảm bảo vốn chủ sở hữu đạt ít nhất 1.000 tỷ rupiah (71,4 triệu USD), trừ phi đang trong quá trình sáp nhập hoặc sang nhượng. Bắt đầu từ năm tới, tất cả các ngân hàng phải đạt số vốn tối thiểu 3.000 tỷ rupiah.
Ông Anung cho biết: “Hệ sinh thái đang thay đổi rất nhanh. OJK đang xem xét rất nhiều quy định không còn có lợi nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ngân hàng. Trong đó có việc giới hạn quyền sở hữu của ngân hàng”.

Theo đó, giới chức nước này khuyến khích dành tối đa 40% cổ phần ngân hàng cho các tổ chức tài chính, 30% cho các tổ chức phi tài chính và 20% cho các cá nhân./.

>>Bùng nổ giao dịch online nhờ lực đẩy từ COVID-19

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục