Bùng nổ giao dịch online nhờ lực đẩy từ COVID-19

18:26' - 29/09/2020
BNEWS Trong vài năm gần đây, ngành tài chính bước vào một cuộc thay đổi lớn với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ, kéo theo cuộc đua số hóa các dịch vụ tài chính, ngân hàng số.

 

Thanh toán không dùng tiền mặt qua đó cũng ghi nhận có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 kéo dài đã thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tăng 13,61% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019. Hệ thống chuyển mạch bù trừ các giao dịch bán lẻ tăng 74 % về số lượng và tăng 106,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua thẻ trong 7 tháng đầu năm 2020 tăng tương ứng 29,7% và 15,8% so với cùng kỳ năm 2019; qua Internet tăng 39,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, số lượng và giá trị giao dịch thanh toán qua điện thoại di động tăng tương ứng 184,2% và 186,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, sở dĩ số lượng giao dịch thanh toán điện tử không ngừng gia tăng là do trong thời gian qua, các ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm, dịch vụ hiện đại, thân thiện, tiện lợi mang lại nhiều trải nghiệm và lợi ích thiết thực cho khách hàng. Đồng thời, các ngân hàng từng bước xây dựng hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tích hợp tạo hệ sinh thái số trải rộng nhiều ngành, lĩnh vực.

Điển hình như tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ngân hàng số OCB OMNI được phát triển trên nền tảng ngân hàng hợp kênh, cho phép khách hàng tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính cơ bản như mở tài khoản, gửi tiết kiệm, thanh toán các dịch vụ thiết yếu, thanh toán QR thông qua hợp tác với VnPay, liên kết với các công ty ví hàng đầu như MoMo, Moca… để khách hàng nạp, rút ví điện tử thuận tiện và nhanh chóng.

 

Đồng thời, OCB cũng hợp tác với nhiều đối tác mới để phát triển thêm nhiều tiện ích thanh toán, tích hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ tài chính từ thiết yếu đến nâng cao nhằm nâng cao sự trải nghiệm của khách hàng.

Với việc mở rộng hệ sinh thái cộng thêm các chương trình khuyến mãi phù hợp, đại diện OCB cho biết, trong 8 tháng năm 2020, số lượng giao dịch online tại OCB đã lên tới 11 triệu lượt, gấp đôi cả về số lượng và giá trị so với cùng kỳ 2019. Riêng trong tháng 8/2020, có tới 1,5 triệu giao dịch online, gấp 2,5 lần về số lượng và 1,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Các giao dịch tiết kiệm, đầu tư tài chính, bảo hiểm qua ngân hàng số OCB OMNI cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong thời gian qua, số liệu ghi nhận tháng 8/2020 gấp 5 lần so với đầu năm 2020.

Tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank), chỉ sau một tháng triển khai định danh trực tuyến (eKYC) cho phép mở tài khoản từ xa, ngân hàng này đã ghi nhận 35.000 khách hàng mới đăng ký iMoney trên app HDBank cùng 15.000 tài khoản đã thực hiện xác thực thông tin trực tuyến. Thống kê cũng cho thấy, 40% khách hàng thực hiện các giao dịch online trên nền tảng ngân hàng số HDBank thường xuyên, nâng tỷ lệ giao dịch tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

Riêng ví điện tử, lượng người dùng ghi nhận có sự tăng trưởng vượt bậc. Điển hình như Ví MoMo đã chạm mốc 20 triệu người dùng chỉ sau 10 năm ra mắt. Đặc biệt, lượng người dùng Ví MoMo đạt mức tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng một năm, từ 10 triệu người dùng vào thời điểm đầu năm 2019 lên mức 20 triệu người dùng vào đầu tháng 9/2020.

Đáng chú ý, trong đơt dịch COVID-19 vừa qua, giao dịch qua Ví MoMo trong mảng dịch vụ công, hành chính công tăng trưởng mạnh. Đơn cử, tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh Khánh Hòa, số lượng giao dịch qua MoMo chiếm 75% và doanh thu chiếm 74,2% trên tổng số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến.

Số lượng các giao dịch thu hộ cho các công ty bảo hiểm, tài chính qua MoMo cũng tăng mạnh trong thời điểm này. Người dân thay vì đi đến các cửa hàng offline để thanh toán hay đóng bảo hiểm thì nay tất cả đều thực hiện online.

Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Đồng sáng lập Ví điện tử MoMo, mặt tích cực từ 2 đợt dịch COVID-19 vừa qua là sự thay đổi tư duy của toàn bộ ngành bán lẻ, ngành tài chính với câu chuyện chuyển đổi số là rất lớn.

“Câu chuyện thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, gần như đúng tất cả với các đối tác mà Ví MoMo đi gặp trong nửa năm qua. Tư duy “go-online” - chuyển đổi số trong các lãnh đạo Việt Nam đã thay đổi tích cực. Chúng tôi tin trong vòng 6 tháng cho tới 1 năm nữa thôi, ngành thanh toán điện tử sẽ có những phát triển vượt bậc và Ví MoMo sẽ có những ảnh hưởng, tác động tích cực đến tăng trưởng chung của ngành”, ông Diệp nhận định.

Mặc dù tại thời điểm hiện tại, tiền mặt vẫn chiếm ưu thế ở Việt Nam, kể cả trong giao dịch online. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, dư địa phát triển “ngành công nghiệp không tiền mặt” ở Việt Nam còn rất lớn.

Những thay đổi của các quy định pháp lý và sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế kỹ thuật số đang thúc đẩy sự tăng trưởng này. Đây cũng là cơ hội thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, mang tính chất bao trùm để những người dân ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng.

Theo ông Richard D. McClellan, cố vấn cao cấp về chiến lược kinh doanh và phát triển kinh tế RMAC Advisory, hiện nay trên thế giới thanh toán không dùng tiền mặt là xu hướng quan trọng, đang phát triển rất nhanh và mang tính chất đột phá.

Xu hướng này cũng tạo sức ép lên các ngân hàng truyền thống phải có sự biến hóa rất nhanh, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp ngoài ngân hàng tham gia vào thị trường. Riêng các thị trường mới nổi như Việt Nam thì tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn và mang tính chất nền tảng.

“Ở Việt Nam, các yếu tố nhân khẩu, mức độ thâm nhập Internet, thương mại điện tử… hỗ trợ cho thanh toán không tiền mặt phát triển hiện đã có sẵn, nhưng phát triển nhanh hay không thì phụ thuộc vào yếu tố tâm lý và thói quen của người tiêu dùng. Bởi lẽ, thói quen sử dụng tiền mặt hiện vẫn đang chiếm ưu tế, trong khi khung pháp lý cho Fintech vẫn chưa được hoàn thiện. Do vậy, để thúc đẩy nền công nghiệp phi tiền mặt, Chính phủ cần phải tiếp tục hỗ trợ về mặt chính sách, quy định, khuyến khích khối tư nhân tham gia vào thị trường thanh toán không tiền mặt hơn nữa”, ông Richard D. McClellan nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý khi xây dựng chính sách cần thiết kế cấu trúc hạ tầng phù hợp để bảo đảm tính khả dụng trong chuyển đổi sang thanh toán phi tiền mặt. Đồng thời, thiết lập chính sách phù hợp, cơ chế khuyến mại để hướng dẫn và khuyến khích người bán hàng cũng như người tiêu dùng sử dụng; có biện pháp bảo vệ cho người dùng; cách bảo đảm khả năng tiếp cận các hệ thống thanh toán trung tâm... ./.

>>Giảm 20% tiền điện khi thanh toán qua VNPT Pay

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục