Indonesia sẽ khai trương sàn giao dịch carbon vào tháng 9

16:55' - 17/06/2023
BNEWS Giao dịch carbon là hệ thống dựa trên thị trường nhằm cắt giảm khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, các quan chức Indonesia cho biết quốc gia này đang chuẩn bị khai trương sàn giao dịch tín chỉ carbon vào tháng 9 tới, trong đó các công ty sản xuất điện sẽ tiến hành giao dịch đầu tiên.

Sàn giao dịch trên sẽ do Sàn giao dịch chứng khoán Indonesia (BEI) vận hành, dưới sự giám sát của Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA) cùng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp.

 

Theo Vụ trưởng Vụ Huy động các nguồn lực ngành và khu vực thuộc Bộ Môi trường và Lâm nghiệp, ông Ignatius Wahyu Marjaka, trong thời gian đầu, các nhà sản xuất điện than và có mức phát thải thấp hơn hạn mức do chính phủ quy định có thể bán giấy phép phát thải cho các công ty kém hiệu quả hơn.

Hồi tháng 2, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ 8 thế giới - đã khởi động giai đoạn đầu của chương trình giao dịch carbon bắt buộc đối với 99 nhà máy điện than thuộc sở hữu của 42 công ty đang cung ứng cho tổng công ty điện lực nhà nước PLN. Hơn một nửa sản lượng điện ở nước này hiện có nguồn gốc từ than đá.

Giao dịch carbon là hệ thống dựa trên thị trường nhằm cắt giảm khí nhà kính gây ra biến đổi khí hậu. Các công ty hoặc cá nhân có thể mua tín chỉ carbon từ các tổ chức giảm hoặc loại bỏ khí thải nhà kính để bù đắp cho lượng khí thải của chính họ.

Ông Wahyu cho biết: “Chúng tôi cũng đang tìm kiếm các công ty trong lĩnh vực lâm nghiệp có đủ năng lực và khả năng đáp ứng các yêu cầu để tham gia giao dịch vào tháng 9 tới. Chúng tôi đang thăm dò một số công ty... có khả năng là các công ty thép, xi măng, phân bón. Câu hỏi đặt ra là liệu họ đã sẵn sàng tham gia giao dịch trong giai đoạn đầu hay chưa”.

Lâm nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến sử dụng đất, cùng với năng lượng và giao thông, chiếm 97% cam kết của Indonesia về cắt giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cuối năm ngoái, chính phủ Indonesia đã nâng mục tiêu cắt giảm lượng khí thải vào năm 2030 lên mức 31,89%, hoặc 43,2% với sự hỗ trợ tài chính quốc tế.

Ông Wahyu cho hay chính phủ Indonesia cũng xác định các thực thể đã góp phần loại bỏ 577 triệu tấn carbon dioxide tương đương (CO2e) được xác minh theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu từ năm 2018 đến năm 2020. Hiện việc xác định này hướng tới những thực thể chiếm 100 triệu tấn CO2e của con số tổng thể.

Các nỗ lực giảm phát thải như chống nạn phá rừng và suy thoái rừng cũng như các chương trình tăng cường khả năng hấp thụ carbon của các khu rừng đã cho phép Indonesia nhận được các khoản thanh toán dựa trên kết quả từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các chính phủ và tổ chức tài chính khí hậu đa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục