Pháp thúc đẩy đánh thuế carbon đối với ngành vận tải biển

14:06' - 17/06/2023
BNEWS Pháp thúc đẩy đánh thuế carbon đối với ngành vận tải biển.

Ngày 16/6, Chính phủ Pháp cho biết nước này sẽ nỗ lực hết sức để thúc đẩy việc đánh thuế phát thải đối với ngành vận tải biển đang gây ô nhiễm nặng nề, tạo thêm động lực cho một chiến dịch vốn đã được các quốc đảo Thái Bình Dương và các nhà vận động môi trường ủng hộ từ lâu.

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh về Hiệp ước tài chính toàn cầu mới - diễn ra ở Paris từ ngày 22 đến 23/6 tới để thảo luận về việc cải tổ hệ thống viện trợ phát triển toàn cầu.

Hội nghị dự kiến có sự tham gia của Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, cùng một loạt nguyên thủ quốc gia châu Phi.

Các quan chức Pháp tin rằng động thái này sẽ gây thêm áp lực lên các tập đoàn vận tải biển và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) - một cơ quan của Liên hợp quốc, dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trong hai tuần nữa, nơi thuế carbon sẽ được đưa ra bàn thảo.

Ngành vận tải biển vận chuyển khoảng 90% hàng hóa được giao dịch trên toàn thế giới và chiếm khoảng 3% lượng khí thải carbon toàn cầu. Tuy nhiên việc phát thải của ngành này hiện không được kiểm soát.

Hai quốc gia Thái Bình Dương đối mặt với nguy cơ mực nước biển dâng cao, quần đảo Marshall và Solomon, trong thập kỷ qua đã thúc đẩy mức thuế 100 USD/tấn đối với khí thải ngành hàng hải, điều này sẽ tạo động lực để các nhà khai thác cắt giảm ô nhiễm.

Theo Ngân hàng thế giới (WB), các đề xuất của Quần đảo Marshall và Solomon sẽ bổ sung khoản thuế khoảng 300-400 USD cho mỗi tấn dầu nặng được sử dụng bởi các tàu container, giúp tăng khoảng 60-80 tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Số tiền này sau đó có thể được các quốc gia mới nổi sử dụng để hỗ trợ tài chính cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Trợ lý Tổng thống Pháp cho biết ngành vận tải biển hoạt động trên nhiều khu vực pháp lý và thường ở các vùng biển quốc tế, hiện vẫn được miễn thuế hoàn toàn đối với doanh số bán hàng hoặc lượng khí thải của họ.

Tháng 11 năm ngoái, Liên Hợp Quốc (LHQ) đã cảnh báo rằng lượng khí thải carbon từ hoạt động vận tải đường biển đang gia tăng và tổ chức này kêu gọi ngành công nghiệp đồ sộ này loại bỏ các tàu cũ, gây ô nhiễm và nâng cấp cơ sở hạ tầng để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh.

Theo Hội nghị LHQ về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), trong khi thế giới ngày càng nhận thức được sự cần thiết phải cắt giảm lượng khí thải nhà kính để ngăn chặn biến đổi khí hậu, ngành hàng hải toàn cầu đã chứng kiến lượng khí thải tăng 4,7% chỉ riêng từ năm 2020 đến năm 2021. Nó cũng làm dấy lên mối lo ngại về độ tuổi trung bình của các con tàu, hiện ở mức gần 22 năm, nghĩa là chúng sử dụng các động cơ cũ hơn, gây ô nhiễm hơn.

IMO đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải hàng năm trong ngành vận tải biển từ năm 2008 đến năm 2050, mục tiêu này ít tham vọng hơn so với các ngành khác là đưa lượng phát thải ròng bằng 0 trong cùng kỳ.

Ủy ban châu Âu (EC) nhận định IMO đang có "tiến độ tương đối chậm" để thúc đẩy các biện pháp giảm phát thải hiệu quả đối với khoảng 90.000 tàu thương mại đang hoạt động trên các vùng biển trên thế giới. Tuy nhiên, một số công ty đang đầu tư vào các công nghệ mới, bao gồm các động cơ có thể chạy bằng hydro hoặc khí tự nhiên hóa lỏng.

Nỗ lực thúc đẩy của Pháp diễn ra sau những nỗ lực không thành công trước đây của Anh nhằm kêu gọi ngành vận tải biển hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chống biến đổi khí hậu. Anh kêu gọi lĩnh vực này đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050 tại thời điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) vào năm 2021./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục