Indonesia sẽ xuất khẩu 200.000 tấn gạo vào tháng tới

09:54' - 22/06/2022
BNEWS Indonesia có kế hoạch xuất khẩu 200.000 tấn gạo sang Trung Quốc và một số thị trường khác vào tháng Bảy tới.

Động thái này phản ánh niềm tin của Indonesia đối với khả năng phục hồi kinh tế đất nước giữa bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng cao.

Indonesia đã phải vật lộn với giá dầu ăn tăng cao trong vài tháng qua và phải tăng ngân sách trợ cấp để giảm bớt tác động từ việc giá cả năng lượng toàn cầu tăng vọt. Tuy nhiên, chính phủ cảm thấy đủ tự tin rằng áp lực sẽ không đến từ gạo - loại lương thực chính của quốc gia 271 triệu dân này.

 

Theo tờ Jakarta Globe, Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) đã công bố kế hoạch xuất khẩu gạo nói trên tại cuộc họp với 7 Chủ tịch của các đảng phái chính trị thuộc liên minh cầm quyền tại Phủ Tổng thống ngay trước cuộc cải tổ Nội các thay thế hai Bộ trưởng vào ngày 15/6 vừa qua.

Phát biểu tại cuộc gặp với Tổng biên tập một số cơ quan báo chí trong nước vào ngày 15/6, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế Airlangga Hartarto, đồng thời là Chủ tịch Đảng Golkar, khẳng định: “Indonesia không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi suy thoái. Trên thực tế, Indonesia đang có kế hoạch xuất khẩu gạo”.

Trong khi đó, ông Surya Paloh, Chủ tịch đảng Dân chủ Quốc gia (Nasdem), bày tỏ sự ngạc nhiên về kế hoạch xuất khẩu gạo của chính phủ trong bối cảnh giá các mặt hàng lương thực chính trên thị trường toàn cầu đang tăng cao.

Trao đổi với mạng tin BeritaSatu.com, Bộ trưởng Nông nghiệp Syahrul Yasin Limpo tiết lộ rằng một số quốc gia đã xếp hàng để mua gạo của Indonesia. Cụ thể, không chỉ Trung Quốc mà cả nước láng giềng Malaysia cũng muốn nhập khẩu gạo của Indonesia.

Indonesia là một trong những quốc gia được dự báo sẽ tránh được nguy cơ suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh giá năng lượng thế giới tăng cao, giá trị hàng hóa xuất khẩu của nước này cũng tăng vọt. Bộ trưởng Airlangga nhấn mạnh: “Kinh tế Indonesia sẽ được hưởng lợi từ nguồn lợi nhuận thu về từ xuất khẩu hàng hóa”.

Trong khi đó, ông Paloh cảnh báo rằng Indonesia không nên bất cẩn và coi tình hình hiện tại là đã an toàn. Chính trị gia này nói: “Tổng thống Jokowi đã yêu cầu lãnh đạo các đảng phái chính trị duy trì sự ổn định. Bởi vì trong thời kỳ suy thoái, Indonesia phải ổn định cả về chính trị lẫn kinh tế”.

Bộ trưởng Airlangga cho biết chính phủ sẽ kiểm soát lạm phát và những vấn đề khác bằng cách duy trì giá nhiên liệu và điện được nhà nước trợ giá, đồng thời cho biết thêm chính phủ sẽ tiếp tục theo dõi lạm phát do biến động của giá cả năng lượng và lương thực trên thị trường toàn cầu.

Theo ông Airlangga, trong năm tới, lạm phát - đặc biệt là lạm phát thực phẩm nhập khẩu - sẽ tương đối an toàn vì sự phụ thuộc của Indonesia vào thực phẩm nhập khẩu như lúa mỳ đã được ngành thực phẩm và đồ uống trong nước “xử lý tốt”. Indofood Sukses Makmur - nhà sản xuất mỳ lớn nhất của Indonesia - đã đảm bảo nguồn cung lúa mỳ cho đến tháng Chín tới.

Về phía sản xuất, tác động của tình trạng biến đổi khí hậu cũng không ảnh hưởng đến sản xuất lương thực trong nước. Theo ông Airlangga, trong 3 năm qua nước này không phải nhập khẩu gạo và dự kiến đến cuối năm sẽ thặng dư nguồn cung gạo trong nước.

Số liệu của Cơ quan Thống kê Trung ương (BPS) cho thấy Indonesia dư thừa sản lượng gạo trong ba năm qua và đã xuất khẩu tổng cộng 4 triệu tấn gạo trong giai đoạn này. Riêng trong bốn tháng đầu năm nay, Indonesia đã sản xuất 14,6 triệu tấn gạo, tăng 7,7% so với mức 13,6 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái, và đã xuất khẩu tổng cộng 440.000 tấn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục