Indonesia: Thu hút doanh nghiệp tư nhân trong phát triển cơ sở hạ tầng

06:30' - 04/06/2018
BNEWS Những nỗ lực của Chính phủ Indonesia trong ba năm qua để phát triển cơ sở hạ tầng theo nhiều cách toàn diện hơn đã thu hút sự quan tâm của người dân Indonesia cũng như quốc tế.
Công trình xây dựng dự án đường sắt nhẹ ở Jarkata, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo nhận định của tác giả Vincent Lingga đăng trên báo Jakarta Post, một số nhà phê bình đánh giá các dự án này là động lực chính trị và một chiến dịch vĩ đại của Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi).

Với việc các cuộc bầu cử tổng thống và lập pháp sẽ diễn ra vào tháng 4/2019, một số người có xu hướng xem xét chính sách của chính phủ hoàn toàn qua lăng kính chính trị, bất kể mục tiêu của chương trình là gì.

Chính quyền của Tổng thống Jokowi, lên nắm quyền vào tháng 10/2014, đã đưa ra tuyên bố xây dựng quốc gia có chín thành phần, được gọi là Nawacita (9 mục tiêu), trong đó có việc ưu tiên giảm chi phí logistic và tập trung vào việc cải thiện kết nối thông qua một loạt dự án cơ sở hạ tầng liên quan đến đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, sân bay và nhà máy điện.

Nawacita cũng nhấn mạnh đến việc xóa đói, giảm nghèo và bất bình đẳng thông qua các chương trình cải thiện giáo dục và dịch vụ y tế cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hàng triệu nông dân.

Chương trình cơ sở hạ tầng của Chính phủ Indonesia cho giai đoạn 2014-2019 trị giá 342 tỷ USD bao gồm cả chương trình điện khí hóa toàn quốc. Tất nhiên, những câu hỏi đặt ra là trong hàng trăm tỷ USD đó bao nhiêu sẽ được sử dụng cho việc xây dựng và tác động của nó đối với nền kinh tế cũng như giảm nghèo của quốc gia này.

Một báo cáo mới công bố của Tusk Advisory, một công ty tư vấn chiến lược khu vực chuyên về cơ sở hạ tầng, đã đưa ra những câu trả lời cụ thể cho các dự án này. Các tác giả chính của báo cáo này là Tiến sĩ Nicholas Morris, nhà kinh tế kỳ cựu được đào tạo tại Oxford và Raj Kannan, chuyên gia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Cả hai chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm làm việc tại Indonesia cũng như khu vực.

Báo cáo độc lập mang tên “Tác động của phân bổ cơ sở hạ tầng ở Indonesia” này bao gồm tất cả các dự án đang xây dựng và hoàn thành từ đầu năm 2015. Số liệu cho thấy tính đến tháng 12/2017 có khoảng 286 dự án đang được xây dựng hoặc đã hoàn thành với tổng giá trị là 103,44 tỷ USD.

Các dự án này bao gồm năng lượng, đường sá, đường sắt, cảng biển, sân bay, hệ thống thoát nước và cáp băng thông rộng. Số lượng và giá trị của các dự án đang được xây dựng là chưa từng thấy và nó xuất hiện ở mặt sau của các cải cách chính của chính phủ.

Báo cáo này trình bày bằng chứng thực nghiệm về tác động của chi tiêu vốn cơ sở hạ tầng của chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế cũng như giảm nghèo. Phân tích kinh tế học của họ sử dụng điểm chuẩn của 32 nền kinh tế đang phát triển và mới nổi từ cơ sở dữ liệu chỉ số phát triển thế giới của Ngân hàng Thế giới (WB) trong giai đoạn 1990 - 2016.

Theo các nhà tư vấn kinh tế của Tusk, việc cải thiện sự kết nối giữa khu vực nông thôn và thành thị và giữa các đảo lớn sẽ giúp giảm chi phí logistic (và do đó phân phối), tăng cường hội nhập thị trường nội địa và nâng cao sức cạnh tranh tổng thể của nền kinh tế, do đó tạo động lực thu hút đầu tư trực tiếp nhằm phát triển kinh tế.

Báo cáo ước tính rằng, các dự án này sẽ được hoàn thành trước thời hạn đưa ra vào năm 2019/2020, tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước sẽ tăng lên 7,2% vào năm 2023. Nếu chính phủ đạt được ít nhất một nửa số dự án trong chương trình với số tiền là 120 tỷ USD trong những năm từ 2020 -2023, báo cáo ước tính rằng tốc độ tăng trưởng GDP vào năm 2030 sẽ vượt quá 9%.

Báo cáo cũng dự báo rằng, năm 2030 sẽ là mốc thời gian quan trọng để đánh giá thành quả các dự án đang được thực hiện hiện nay, tỷ lệ hộ đói nghèo của quốc gia sẽ giảm từ khoảng 11% xuống còn 8%. Do đó, các dự án này không chỉ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước mà đồng thời còn thực hiện được mục tiêu xóa đói giảm nghèo của quốc gia.

Báo cáo cho thấy rằng các ước tính tăng trưởng GDP này của Indonesia cũng phù hợp với các tăng trưởng kinh tế được dự báo của các nước khác trong khu vực. Đây thực sự là những con số đáng khích lệ, nhưng như đã được nhấn mạnh trong báo cáo, việc đạt được tốc độ tăng trưởng GDP này phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc hoàn thành các dự án hiện đang được xây dựng.

Hiện tại, rất nhiều các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đang được thực hiện bởi các công ty nhà nước. Tuy nhiên, Chính phủ Indonesia cần xem xét cho phép các công ty tư nhân được tham gia xây dựng và đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án này.

Theo tác gải bài viết, Chính phủ Indonesia cần khuyến khích và tạo điều kiện tạo ra các công cụ tài chính mới, chẳng hạn như thành công gần đây của "trái phiếu Komodo" bằng đồng rupiah tại Sở giao dịch chứng khoán London.

Nhưng cũng cần phải có nhiều nỗ lực phối hợp hơn để đưa ra các đề án tài chính sáng tạo mà không ảnh hưởng đến nợ công sau này. Trong khi các khoản vay từ nước ngoài là một khởi đầu tốt, song chúng thực sự là món nợ chính phủ, vì các tổ chức phát hành là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Khả năng tài chính và quản lý của khu vực tư nhân cần được khai thác để hỗ trợ các kế hoạch xây dựng quốc gia của đất nước. Các DNNN tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong việc thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, tuy nhiên, hiện tại đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập đòi hỏi chính phủ cần sớm có biện pháp giải quyết.

Trong việc khuyến khích khu vực tư nhân, chính phủ dường như vẫn còn đang có những bước đi thận trọng, và đang trong quá trình hoàn thiện khung pháp lý để cho phép tăng vốn đối với khu vực tư nhân. Các chương trình tái tạo tài sản hoặc “tái chế tài sản” là đứa con tinh thần của Văn phòng Bộ trưởng Kinh tế phối hợp và chúng được gọi là Đề án Giảm giá giới hạn (LCS).

Theo LCS, chính phủ sẽ cho phép khu vực tư nhân cạnh tranh để mở rộng, vận hành và duy trì một số tài sản chính của chính phủ trong một khoảng thời gian nhượng quyền đã thỏa thuận, khoảng 20 đến 25 năm.

Một ví dụ điển hình là sân bay quốc tế Soekarno Hatta. Việc mở rộng sân bay dự kiến sẽ đòi hỏi hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư trong 10 năm tới để đáp ứng lưu lượng hành khách ngày càng tăng. Thay vì các nhà điều hành sân bay thuộc sở hữu nhà nước chi tiền cho dự án này thì theo LCS, khu vực tư nhân sẽ được mời tham gia đầu tư và nhận được lợi ích từ doanh thu hoạt động của sân bay trong 20 năm thời gian nhượng quyền.

Quan trọng nhất, theo LCS, khu vực tư nhân sẽ cung cấp các khoản thanh toán tiền mặt trả trước như phí nhượng quyền cho chính phủ, có thể sử dụng để xây dựng các sân bay khác (và chia sẻ với các nhà khai thác sân bay hiện tại) hoặc có thể đồng ý chia sẻ doanh thu liên tục trong thời gian nhượng quyền.

Đối với Indonesia, việc kích hoạt và tạo điều kiện cho sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc phân phối cơ sở hạ tầng là một trong những cải cách quan trọng và cần thiết để duy trì ảnh hưởng lâu dài đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế và mục tiêu giảm nghèo. Dường như các nhà lãnh đạo đất nước đang đi đúng hướng khi tận dụng lợi thế của không chỉ các DNNN mà cả khu vực tư nhân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục