Indonesia ước tính phải đầu tư gần 373 tỷ USD trong năm 2021

07:36' - 11/02/2021
BNEWS Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết, để phát triển nền kinh tế quốc gia, nước này theo ước tính sẽ phải đầu tư tới 372,97 tỷ USD vào năm 2021.

Theo Phóng viên TTXVN tại Jakarta, Cơ quan Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia (Bappenas) cho hay nước này cần những khoản đầu tư lớn để nền kinh tế có thể tăng trưởng 5%, trong đó cần có sự đóng góp từ khu vực tư nhân.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Suharso Monoarfa cho biết, để phát triển nền kinh tế quốc gia, nước này theo ước tính sẽ phải đầu tư tới 372,97 tỷ USD vào năm 2021.

Trong đó, Chính phủ chỉ chiếm từ 5 - 7,1%, các doanh nghiệp nhà nước từ 4,9 - 8,1% và 90,1% còn lại hoặc ít nhất 85% đến từ khu vực tư nhân. Mục tiêu này đánh dấu mức tăng tối thiểu 18,77% so với chi đầu tư của năm 2020.

Chi đầu tư thực tế của Indonesia, vốn chiếm gần 1/3 nền kinh tế, đã giảm 4,95% vào năm 2020 so với năm 2019. Đầu tư vào phương tiện đi lại giảm sâu nhất. Tiếp đến là máy móc thiết bị. Sự sụt giảm trên xảy ra do đại dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế quốc gia này giảm 2,07% so với năm 2020, đánh dấu lần suy thoái đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1998.

Tuy nhiên, ông Suharso cho biết Chính phủ dự báo đại dịch sẽ được kiểm soát vào tháng 9/2021, vì chương trình tiêm chủng dự kiến sẽ giảm số người mắc COVID-19 từ 1,2% xuống 0,9%, từ đó cho phép nền kinh tế phục hồi nhanh hơn.

Chính phủ Indonesia vẫn lạc quan về kinh tế năm 2021 với hy vọng sẽ ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng hàng năm từ 4,5 - 5,5%.

Trong quý I/2021, nền kinh tế Indonesia được dự báo tăng từ 1,6 - 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Ước tính trên dựa trên giả định rằng Indonesia sẽ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên vào tháng Ba, và khoảng 141 triệu mũi sẽ được tiêm cho 70 triệu người.

Còn theo ông Andry Satrio Nugroho, người đứng đầu Trung tâm Công nghiệp, Thương mại và Đầu tư tại Viện Phát triển Kinh tế và Tài chính (Indef), mục tiêu của Chính phủ là “không thực tế” do mức đầu tư năm 2021 sẽ giảm nhiều so với năm 2020.

Sự phục hồi kinh tế của quốc gia dự kiến sẽ chỉ đến sớm nhất vào quý III/2021, tùy thuộc vào sự ổn định của nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Các nhà đầu tư vẫn sẽ chờ xem Indonesia tiến triển như thế nào với đại dịch và liệu nó đã phục hồi đủ chưa.

Còn theo báo cáo của Mirae Asset Sekuritas Indonesia, tăng trưởng hàng năm của chi tiêu đầu tư tại Indonesia được dự báo sẽ phục hồi ở mức 3,02% trong năm 2021.

Theo ông Hariyadi Sukamdani thuộc Hiệp hội Người sử dụng lao động Indonesia (Apindo), việc mở rộng kinh doanh phụ thuộc vào việc Chính phủ xử lý đại dịch và phục hồi nhu cầu. Nếu các hoạt động công cộng trở lại bình thường thì việc đạt được mục tiêu chi đầu tư do Chính phủ vạch ra là hoàn toàn có thể.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ áp đặt các hạn chế hoạt động công cộng (PPKM) ở các thành phố và cơ quan bị ảnh hưởng nặng nề trên khắp Java và Bali, nền kinh tế dự kiến sẽ vẫn ở mức tăng trưởng âm trong quý đầu tiên của năm 2021./.

>>Indonesia có tiềm năng thu hút 17 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực pin xe điện

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục