IPEF: Câu hỏi về khả năng tiếp cận thị trường còn bỏ ngỏ

05:30' - 04/07/2022
BNEWS Nhiều câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc khuyến khích hợp tác kinh tế khu vực chặt chẽ hơn thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).

Ngày 23/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden và 12 người đồng cấp trong khu vực đã chính thức khởi động Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF).

Sau gần 5 năm kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), IPEF đã ra đời với mục đích tái khẳng định sự can dự của Mỹ đối với nền kinh tế khu vực và cung cấp một giải pháp do Mỹ dẫn đầu để thay thế cho vai trò dẫn dắt kinh tế của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về khả năng của Mỹ trong việc khuyến khích hợp tác kinh tế khu vực chặt chẽ hơn thông qua khuôn khổ này.

12 đối tác trong khu vực - trong đó có Australia, Indonesia, Nhật Bản và Hàn Quốc - đã tham gia khởi động IPEF ở Tokyo ngày 23/5. Nhiều người dự đoán rằng các đồng minh thân cận của Mỹ như Nhật Bản, Australia, New Zealand và Singapore sẽ tham gia khởi động IPEF. Tuy nhiên, 7 quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - bao gồm tất cả các nước ASEAN là thành viên APEC - cũng tham gia.        

Với việc Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong việc xác định lại các quy tắc và chuẩn mực khu vực, IPEF được coi là sự bổ sung kinh tế cho các đảm bảo an ninh khu vực của Mỹ và cam kết thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Trong IPEF, an ninh vẫn được nhấn mạnh như một trọng tâm của khu vực, nhưng các lợi ích kinh tế hữu hình của khuôn khổ này vẫn chưa thực sự được nêu bật rõ ràng. Myanmar, Lào và Campuchia không tham gia IPEF. Các nước Vành đai Thái Bình Dương tham gia đàm phán TPP (Canada, Mexico, Peru và Chile) cũng không được mời. Các quốc đảo Thái Bình Dương cũng vắng mặt, mặc dù Fiji đã gia nhập vài ngày sau đó.        

IPEF có 4 trụ cột gồm nền kinh tế kết nối, nền kinh tế phục hồi, nền kinh tế sạch và nền kinh tế công bằng. Mỗi trụ cột được dẫn dắt bởi một cơ quan riêng.        

Đầu tiên, trụ cột nền kinh tế kết nối bao gồm các chủ đề thương mại công bằng và linh hoạt, cụ thể bao gồm lao động, môi trường và khí hậu, kinh tế kỹ thuật số, nông nghiệp, minh bạch và các thông lệ quản lý tốt, chính sách cạnh tranh và tạo thuận lợi thương mại.

Thứ hai, nền kinh tế phục hồi bao gồm các chủ đề về khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và được dẫn dắt bởi Bộ Thương mại Mỹ (DOC). Thứ ba, nền kinh tế sạch do DOC dẫn đầu và bao gồm cơ sở hạ tầng, năng lượng sạch và khử carbon. Cuối cùng, nền kinh tế công bằng bao gồm các chủ đề về thuế và chống tham nhũng và cũng được dẫn dắt bởi DOC.

Các quốc gia có thể chọn tham gia bất kỳ trụ cột nào trong 4 trụ cột nhưng phải cam kết tất cả các khía cạnh của từng trụ cột mà họ tham gia. Tuy nhiên, IPEF bị giới hạn như một công cụ để hội nhập thương mại khu vực của Mỹ trong trường hợp Mỹ không có quyền tiếp cận thị trường hoặc tự do hóa thuế quan. Việc Mỹ không sẵn sàng cung cấp các biện pháp khuyến khích tiếp cận thị trường có thể khiến IPEF không có triển vọng thực hiện ở một số nước trong khu vực.         

Do IPEF không phải là một hiệp định thương mại truyền thống, chính quyền sẽ không cần phải được sự chấp thuận của Quốc hội và có thể tránh được một cuộc chiến chính trị hóa để có được sự phê chuẩn ở trong nước.

Nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai viện của Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, có khả năng áp lực của Quốc hội sẽ buộc các nhà lập pháp đóng vai trò lớn hơn trong IPEF sẽ tăng lên.

Một thỏa thuận không yêu cầu sự chấp thuận của Quốc hội là dấu hiệu để các quốc gia khác biết rằng Mỹ không có ý định nhượng bộ đáng kể.        

Bên cạnh đó, cũng có những hạn chế đáng kể khác đối với IPEF vì đây không phải là một hiệp định thương mại truyền thống. Do không có lời hứa nào về khả năng tiếp cận thị trường của Mỹ, nên giới chức nước này đang loại bỏ một động lực đáng kể để buộc các đối tác trong khu vực đồng ý với các tiêu chuẩn cao của Mỹ. Việc thiếu các cơ chế thực thi cũng hạn chế khả năng của Mỹ trong việc đảm bảo các lợi ích của mình.        

IPEF là trung tâm trong chính sách kinh tế của chính quyền Mỹ ở một khu vực quan trọng. Sự thất bại của IPEF sẽ là một đòn giáng mạnh vào các mục tiêu này, ngay cả khi Mỹ đã cố gắng khuyến khích sự hợp tác chặt chẽ hơn thông qua các thỏa thuận thay thế, cụ thể là Hội đồng Công nghệ và Thương mại Mỹ- EU.

Nếu Mỹ có thể nhân rộng mức độ hợp tác và động lực này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, IPEF cũng có thể trở thành một khuôn khổ đầy tham vọng đối với nhiều đối tác hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục