Vai trò của Nhật Bản trong việc khởi động sáng kiến IPEF

06:30' - 26/05/2022
BNEWS Nhật Bản đồng hành với Mỹ trong hơn nửa năm để cụ thể hóa sáng kiến IPEF. Một nhân vật có quan hệ trong chính phủ nói rằng ý tưởng về IPEF đã được thông tin từ Chính phủ Mỹ đề cập vào mùa Hè năm 2021.

Theo báo Asahi của Nhật Bản, trong cuộc hội đàm diễn ra vào ngày 23/5 tại Tokyo, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã nhất trí hợp tác nhằm xây dựng chuỗi cung ứng chất hiếm một cách bền vững và ổn định. 

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác chung trong quá trình nghiên cứu phát triển chất bán dẫn thế hệ mới cần thiết trong việc ứng dụng các kỹ thuật cao như trí thông minh nhân tạo hay máy tính lượng tử. 

Những nội dung này cho thấy Mỹ và Nhật Bản đang đẩy nhanh hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an ninh kinh tế, với những lo ngại về khả năng Trung Quốc đang tăng cường ảnh hưởng thông qua việc thúc đẩy xây dựng các quy định có lợi cho Trung Quốc trong khu vực. 

Tổng thống Biden đã chọn Nhật Bản là địa điểm để công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF). Lý do là Nhật Bản đã có quá trình đóng góp cho sáng kiến mới này của Mỹ kể từ thời điểm hình thành ý tưởng.

Năm 2017, Mỹ đã từ bỏ  Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là CPTPP). Nhật Bản mong muốn Mỹ quay trở lại Hiệp định này, nhưng khả năng đó là rất thấp và một khuôn khổ kinh tế mới thay thế là cần thiết. 

Chiều ngày 23/5, trong hội nghị trực tuyến có sự tham gia của 13 nguyên thủ các nước bày tỏ ý định tham gia IPEF, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc hình thành IPEF đó là: “Chúng ta sẽ cùng chiến thắng trong cuộc cạnh tranh của Thế kỷ XXI”. Thủ tướng Kishida đã hưởng ứng rằng Nhật bản hoan nghênh IPEF và ủng hộ mạnh mẽ sáng kiến này. 

Nhật Bản đã đồng hành với Mỹ trong khoảng thời gian hơn nửa năm nhằm cụ thể hóa sáng kiến IPEF. Một nhân vật có quan hệ trong chính phủ Nhật Bản đã nói rằng ý tưởng về IPEF đã được thông tin từ Chính phủ Mỹ đề cập vào mùa Hè năm 2021.

Tháng 9/2021, Trung Quốc đã đề nghị tham gia Hiệp định CPTPP và đang tăng cường vận động mạnh mẽ với các quốc gia thành viên. Chính điều này làm nảy sinh quan ngại về việc Mỹ đánh mất vai trò trong việc xây dựng cơ chế vùng kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

Tại Hội nghị Đông Á diễn ra vào tháng 10/2021, Tổng thống Biden đã đề cập sáng kiến IPEF. Từ thời điểm đó, một số quốc gia cùng chia sẻ các giá trị cơ bản như Nhật Bản, Australia, New Zealand, Singapore đã bắt đầu các cuộc thảo luận không công khai về việc xây dựng khuôn khổ IPEF. Theo dự thảo ban đầu, IPEF sẽ tập trung 4 lĩnh vực chính gồm: Thương mại tự do, chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng chất lượng cao và phòng chống tham nhũng. 

Vấn đề quan ngại đối với Nhật Bản đó là tính tương thích của việc hình thành IPEF với việc đề nghị Mỹ quay trở lại CPTTP. Với việc cuộc bầu cử Tổng thống giữa kỳ đang đến gần, việc dư luận tại Mỹ mạnh mẽ phản đối thương mại tự do là yếu tố khiến chính quyền ông Biden ít có khả năng quay trở lại CPTTP.

Để đối phó với việc Trung Quốc đang thúc đẩy xây dựng những quy tắc thương mại có lợi cho mình, Mỹ buộc phải tính đến việc hình thành IPEF ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm triển khai chính sách can dự và gia tăng ảnh hưởng trong khu vực. 

Việc chính quyền ông Biden coi trọng Nhật Bản trong quá trình hình thành IPEF là do Mỹ muốn tranh thủ kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc điều phối thành công đàm phán CPTTP. Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đến Nhật Bản vào tháng 11/2021, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa đã đề xuất về một “khuôn khổ kinh tế mang tính toàn diện và có tính phù hợp”, trong đó, Nhật Bản sẽ đóng vai trò điều phối các đề xuất của Mỹ sao cho các quốc gia châu Á có thể chấp nhận được. 

Các cuộc điều phối về IPEF đã được tiến hành liên tục cho đến trước chuyến thăm của ông Biden. Trong cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại APEC diễn ra trong hai ngày 21 và 22/5, Bộ trưởng Kinh tế và Thương mại Nhật Bản Koichi Hagiuda đã hội đàm riêng biệt với các quan chức của Singapore, Thái Lan, Indonesia, Brunei nhằm vận động và thảo luận về IPEF.

Xét trên thực tế, IPEF có trở thành khuôn khổ kinh tế có tính thực tiễn hay không vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời. Lý do là IPEF không có nội dung quy định về mở cửa thị trường thông qua biện pháp giảm thuế. Tại khu vực châu Á, ngoài CPTTP, còn có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và New Zealand, với quy định cắt giảm thuế đối với 80% danh mục hàng hóa. 

ASEAN vốn coi trọng quan hệ với Trung Quốc, do đó, lợi ích từ việc tham gia khuôn khổ kinh tế mà không có triển vọng gia tăng xuất khẩu sang thị trường Mỹ là không nhiều, trong khi một số nước có thái độ cảnh giác cao về nguy cơ bị áp đặt một chiều các tiêu chuẩn khắt khe. 

IPEF được khởi động kể từ khi hình thành ý tưởng được hơn nửa năm, một quãng thời gian tương đối ngắn. Tuy nhiên, một nguồn tin có liên quan trong Chính phủ Nhật Bản nói rằng sẽ cần một khoảng thời gian nhất định cho đến khi khuôn khổ kinh tế này được định hình trên thực tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục