Ít nhất 1/5 dân số thế giới có thể không được tiếp cận với vaccine cho đến năm 2022

12:04' - 16/12/2020
BNEWS Các nhà nghiên cứu trường Y tế công cộng thuộc Đại học Johns Hopkins Bloomberg cho biết ít nhất 1/5 dân số thế giới có thể không được tiếp cận với vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho đến năm 2022.

Các nước giàu hơn nhận được hơn một nửa số liều vaccine có thể được cung cấp trên toàn cầu trong năm 2021. Đây là kết luận của nghiên cứu được công bố ngày 15/12 trên tạp chí dược BMJ, dựa trên các dữ liệu công khai.

Với hy vọng vaccine có thể giúp chấm dứt đại dịch hiện đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1,6 triệu người trên thế giới, các nước như Mỹ, Anh, Canada và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã bắt đầu các chương trình tiêm chủng đại trà.

Nhưng với mong muốn tăng cơ hội tiếp cận với ít nhất một trong hàng chục loại vaccine đang được phát triển, nhiều quốc gia đã đầu tư tiền bạc vào nhiều loại vaccine khác nhau. Nghiên cứu cho thấy các nước giàu có - chỉ chiếm khoảng 14% dân số toàn cầu - đã đặt mua trước hơn một nửa số liều vaccine dự kiến được 13 nhà sản xuất hàng đầu cung cấp trong năm tới.

Theo các nhà nghiên cứu, ngay cả khi tất cả các nhà sản xuất có thể tạo ra các loại vaccine hiệu quả, an toàn và đáp ứng các mục tiêu sản xuất tối đa thì "ít nhất 1/5 dân số thế giới cũng không được tiếp cận với vaccine cho đến năm 2022". Điều này đặt ra lo ngại rằng những nước nghèo hơn sẽ bị bỏ lại đằng sau.

Cụ thể, nếu tất cả vaccine đang nghiên cứu cho kết quả khả quan, nhiều nước giàu sẽ có đủ lượng dự trữ cho ít nhất mỗi người một liều vaccine. Như Canada đã đặt mua tương đương 4 liều/người, trong khi các nước như Indonesia thì đặt mua không đủ, cứ 2 người mới có một liều tiêm. Nghiên cứu cũng cho thấy thực tế là vào giữa tháng 11, các nước đã đặt mua 7,48 tỷ liều, tương đương với 3,76 tỷ người được tiêm, vì hầu hết vaccine đều phải tiêm hai mũi. Con số này vượt xa khả năng sản xuất tối đa dự kiến chỉ đủ cho 5,96 tỷ người được tiêm vào cuối năm 2021.

Nhiên cứu ước tính rằng 40% liều vaccine của các nhà sản xuất hàng đầu có thể dành cho các nước có thu nhập thấp và trung bình, nhưng điều này còn tùy thuộc vào việc các nước giàu sẵn sàng chia sẻ bao nhiêu liều vaccine mà họ đã bỏ tiền ra mua. Các chuyên gia kêu gọi "minh bạch hơn" trong việc hỗ trợ tiếp cận công bằng trên toàn cầu bởi việc này sẽ đem lại lợi ích không chỉ trong lĩnh vực y tế. Báo cáo nêu rõ: "Thương mại và đi lại giữa các nước có thể tiếp tục đối mặt với tình trạng ngắt quãng cho đến khi các biện pháp phòng và điều trị bệnh, như vaccine, được tiếp cận rộng rãi hơn".

Nhiều nước đã tham gia Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối cùng với Liên minh Cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó với dịch và Liên minh vaccine GAVI. Cơ chế này nhằm đảm bảo mọi người trên thế giới được tiếp cận với vaccine bất kể giàu nghèo, với hy vọng đến cuối năm 2021 sẽ có 2 tỷ liều vaccine để phân phối. Nhưng hiện Mỹ và Nga (hai nước đã phê chuẩn vaccine tự sản xuất) đều chưa tham gia.

Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề khác đặt ra bên cạnh việc phải có đủ hai liều cho mỗi người tiêm, đó là yêu cầu bảo quản vaccine ở nhiệt độ rất thấp, chi phí để tiêm có thể dao động từ mức 6 USD/lần tiêm đến mức 74 USD/lần tiêm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục