JICA : Việt Nam cần cơ chế khuyến khích mới để giảm chi phí cho các đối tác phát triển

13:49' - 16/05/2018
BNEWS Ngày 16/5, tại Hà Nội, JICA cùng với 6 tỉnh dự án “Phát triển Nông thôn thích ứng với thiên tai” tổ chức hội nghị Phát triển Nông thôn hiệu quả thông qua các tiếp cận dựa vào kết quả thực hiện.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Linh/BNEWS/TTXVN

Phát biển tại hội nghị, ông Konaka Tetsuo, Trường đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ở Việt Nam cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc là một trong những khu vực nhận được nhiều sự quan tâm của chính phủ và cộng đồng các nhà tài trợ của các đối tác phát triển, các tỉnh này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Chẳng hạn, năng suất nông nghiệp thấp, ngôn ngữ của dân tộc thiểu số, thiên tai, cơ sở hạ tầng kém phát triển,  hay tỷ lệ hộ nghèo rất cao đặc biệt ở các đồng bào dân tộc thiểu số. Chính phủ Nhật Bản và JICA coi trọng phát triển kinh tế và hướng tới những lĩnh vực cộng đồng dễ bị tổn thương trong quá trình phát triển kinh tế. Chính vì thế, JICA tập trung phát triển bao trùm coi đây là một trọng tâm lớn trong việc phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam.

JICA đã thực hiện các dự án về phát triển cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ với vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD và khoảng 630 các tiểu dự án tại Việt Nam trong thời gian từ năm 1996 – 2016. Và rất nhiều các dự án hợp tác kỹ thuật trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế… Để hỗ trợ các dự án này phát triển tốt hơn, JICA đã xây dựng một dự án mới và áp dụng thông qua các tiếp cận dựa vào kết quả thực hiện.

Theo JICA, những dự án cơ sở hạ tầng quy mô nhỏ thường rơi vào tình trạng chậm trễ do việc thu hồi đất, ngân sách trình muộn hoặc ngân sách không đủ… Vấn đề vượt dự toán nguyên nhân là do việc nghiên cứu khả thi và thiết kế chi tiết có chất lượng thấp, vì vậy, chi phí thường tăng cao. Việc quản lý số lượng tiểu dự án lớn và giám sát dự án có chi phí cao. Do vậy, các đối tác phát triển thường dành nhiều nguồn lực giám sát triển khai dự án. Chính vì vậy, JICA cho rằng Việt Nam cần một cơ chế khuyến khích mới nhằm làm giảm chi phí cho các đối tác phát triển.

Ngoài ra, kết quả của các dự án hợp tác kỹ thuật thành công trước hiếm được các tỉnh phổ biến rộng rãi. Những kinh nghiệm thường không được sử dụng một cách tốt nhất. Nguyên nhân có thể là do thiếu ngân sách, hoặc lưỡng lự trong việc sử dụng kỹ năng mới.

Tại Việt Nam, JICA nhận thấy còn những nhu cầu phát triển lớn nhưng vẫn còn thiếu hụt nhiều trong năng lực quản lý của chính quyền địa phương.  Chính vì vậy, Việt Nam cần quan tâm hơn trong việc tăng cường năng lực chính quyền tỉnh về thứ tự ưu tiên, lập kế hoạch, đánh giá và hợp tác giữa các sở với nhau.

Bà Nguyễn Thị Nhật, đại diện Chi cục Bảo vệ Thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điên Biên cho hay, nhờ có các dự án, người dân địa phương đã hiểu biết thêm về việc chăm sóc, nuôi trồng và bán sản phẩm. Ngoài diện tích mô hình điểm, người dân sau khi đã được tập huấn đã nhận thức được việc sản xuất nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu. Ngoài sự hỗ trợ của chính phủ, người dân cũng đã tích cực mở rộng thêm diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn.

Tuy vậy, trong quá trình hỗ trợ người dân sản suất nông nghiệp sạch, địa phương cũng gặp một số khó khăn như chính sách sản xuất nông nghiệp sạch của nhà nước vẫn còn nhiều hạn chế để có thể hỗ trợ người dân. Thêm nữa, nhận thức của người tiêu dùng đối với sản phẩm sạch còn hạn chế. Trình độ của người dân bởi họ vẫn còn nhìn vào lợi nhuận trước mắt. Bà Nhật chia sẻ.

Theo ông Đào Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án “Phát triển Nông thôn thích ứng với thiên tai” tại 6 tỉnh với nguồn vốn vay của JICA và vốn đối ứng của Nhà nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2018-2023, đồng thời, giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục làm đầu mối các tỉnh thực hiện dự án.

Dự án “Phát triển Nông thôn thích ứng với thiên tai” (trước đây được gọi là Dự án Phát triển Nông thôn dựa vào kết quả) bao gồm Hợp phần Vốn vay xây dựng công trình phát triển và Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động phát triển nông nghiệp và xã hội.

Dự án được JICA chuẩn bị từ cuối năm 2015 dựa vào kinh nghiệm của các dự án Hỗ trợ kỹ thuật mà JICA thực hiện trước đó, như “Dự án phát triển nông thôn Tây Bắc Việt Nam” tại tỉnh Điện Biên từ 2010-2015, “Dự án triển khai sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em” từ 2011-2014 và “Dự án thiết lập đường dây phòng chống mua bán người tại Việt Nam”.

Quá trình thực hiện dự án cho thấy cách tiếp cận dựa vào kết quả đã giúp đẩy mạnh một cách hiệu quả các hoạt động mục tiêu của dự án, đồng thời góp phần nâng cao năng lực cho 6 tỉnh miền núi tham gia dự án, là Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, và Sơn La.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục