Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng sinh

06:46' - 18/03/2017
BNEWS Liên hợp quốc (LHQ) đã thành lập Nhóm công tác hỗn hợp về tình trạng kháng kháng sinh đang ngày càng trở nên phổ biến.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Margaret Chan, và Phó Tổng Thư ký (TTK) LHQ, bà Amina Mohamed, làm đồng chủ tịch nhóm công tác này.

Theo tuyên bố của TTK LHQ Antonio Guterres, nhóm sẽ bao gồm các đại diện cấp cao của các cơ quan liên quan trực thuộc LHQ, các tổ chức quốc tế khác và các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như thú y, nông nghiệp, môi trường v.v...

Mục tiêu của nhóm là đưa ra các hướng dẫn cụ thể để có phương thức tiếp cận cần thiết nhằm duy trì tính hiệu quả của các giải pháp đối với vấn đề kháng kháng sinh trên quy mô toàn cầu. Nhóm hỗ hợp này sẽ là cơ quan điều phối hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan; đẩy mạnh quá trình triển khai Kế hoạch Hành động toàn cầu về kháng kháng sinh.

Phát biểu trước báo giới tại LHQ, Phó TTK Mohammed nhấn mạnh kháng kháng sinh là một trong vấn đề cấp thiết của y tế toàn cầu, không chỉ đối với sức khỏe con người mà còn liên quan đến vấn đề thú y, nông nghiệp, môi trường, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Bà đánh giá kháng kháng sinh đang đe dọa các nước đạt được Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), đặt biệt là tại tất các nước đang phát triển, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng đảm bảo nước sạch, cung ứng nguồn thức ăn ổn định và giảm đói nghèo.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO, bà Chan cho rằng kháng kháng sinh có thể kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí điều trị do bệnh nhân phải sử dụng dòng kháng sinh thứ hai hoặc thứ ba đắt tiền để điều trị. Bà hy vọng sẽ làm việc với tất cả các cơ quan và chính phủ để thúc đẩy quá trình triển khai chương trình sức khỏe toàn cầu, giảm tình trạng lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp.

Kháng kháng sinh là tình trạng tự nhiên khi các vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng thích ứng với các loại thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn và khiến các loại thuốc này không còn hiệu quả trong điều trị bệnh. Kháng kháng sinh thường là hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh.

Nhận thức được điều này, tại khóa họp thứ 71 của Đại Hội đồng LHQ tháng 9 năm ngoái, kháng kháng sinh đã được coi là vấn đề toàn cầu và các quốc gia cam kết triển khai những kế hoạch hành động quốc gia để xử lý tình trạng kháng kháng sinh dựa trên kế hoạch hành động toàn cầu mà WHO đã đề ra hồi năm 2015.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo hiện tượng tình trạng siêu vi khuẩn kháng thuốc đang lan rộng có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu với quy mô như năm 2008, thậm chí còn tồi tệ hơn nữa.

Báo cáo với nhan đề "Vi khuẩn kháng thuốc: Mối đe dọa tương lai kinh tế của chúng ta" đã dự báo tình hình tài chính khi mà kháng sinh và những thuốc chống vi khuẩn kháng thuốc không thể điều trị các loại bệnh thông thường. Một đánh giá gần đây về vấn đề này cho biết chi phí y tế toàn cầu cho các bệnh kháng thuốc có thể lên đến 100.000 tỷ USD vào năm 2050.

Báo cáo của WB dự báo, giai đoạn 2017-2050 là sẽ chứng kiến những nước và người nghèo nhất thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng với mức độ thiệt hại không kém gì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

>>>Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao trên thế giới

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục