Xử lý nhiều doanh nghiệp sai phạm trong nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh

15:26' - 23/12/2016
BNEWS Qua thanh tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm là bán sai đối tượng.
Xử lý nhiều doanh nghiệp sai phạm trong nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2016, Thanh tra Bộ đã tiến hành thanh tra đối với 15 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh.

Đây là những công ty nhập khẩu lớn với tổng lượng nguyên liệu kháng sinh nhập khẩu, phân phối lưu thông chiếm 70% tổng số nguyên liệu kháng sinh được nhập.

Các đơn vị nêu trên nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh với mục đích thương mại và dùng để sản xuất thuốc thú y. Cụ thể, có 5/15 công ty nhập khẩu với mục đích sản xuất, 9/15 công ty nhập khẩu với mục đích thương mại và 1/15 công ty nhập khẩu vừa sản xuất vừa thương mại.

Qua thanh tra phát hiện 5 công ty nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh có hành vi vi phạm là bán sai đối tượng. Đây đều là công ty nhập khẩu với mục đích thương mại.

Trung bình có khoảng 16% số lượng nguyên liệu kháng sinh được các công ty nhập khẩu đã bị bán sai đối tượng, các đối tượng này mua về để sử dụng nguyên liệu kháng sinh sai mục đích. Đối với các công ty thương mại thì tỷ lệ vi phạm là 22%. Sai phạm phát hiện chủ yếu được thực hiện trong năm 2014.

Thanh tra Bộ đã tiến hành xử lý nghiêm đối với các công ty nhập khẩu có hành vi vi phạm; đình chỉ có thời hạn hoạt động nhập khẩu nguyên liệu kháng sinh đối với 5 công ty, rút chứng chỉ hành nghề đối với 2 công ty.

Bên cạnh đó, Thanh tra bộ đã tiến hành thanh tra trực tiếp đối với 30 công ty có vi phạm về nguyên liệu kháng sinh. Đồng thời, xử lý 23 công ty, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 1,6 tỷ đồng.

Củng cố hồ sơ và xác lập hành vi vi phạm đối với gần 200 đối tượng là các công ty sản xuất nhỏ, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp, trang trại chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản... nằm rải rác tại các tỉnh miền Tây và Tp. Hồ Chí Minh chuyển cho địa phương xử lý.

Theo ông Phạm Tiến Dũng, thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền các văn bản chế định và chế tài để người sản xuất, kinh doanh và sử dụng kháng sinh theo đúng quy định của pháp luật. Phát động phong trào thực hiện đúng quy định của nhà nước về nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng kháng sinh.

Bên cạnh đó, có phương thức thanh, kiểm tra phù hợp từ khâu nhập, kinh doanh và sử dụng. Cụ thể, Cục Thú y tổ chức kiểm tra giám sát khâu nhập khẩu, tiêu thụ bảo đảm tính logic; phối hợp với Thanh tra Bộ, cơ quan công an để tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh dối với các cơ sở nhập khẩu. 

Ngoài ra, tổ chức kiểm tra sản phẩm khi xuất bán để kiểm tra tồn dư nhằm phát hiện và xử lý những lô hàng vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu./.

>>> Lo ngại xu hướng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục