Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 được tiến hành đồng bộ trên các lĩnh vực

10:11' - 16/03/2018
BNEWS Trong thời gian tới, các nước thống nhất sẽ tập trung thúc đẩy việc triển khai các dự án trong khuôn khổ 15 sáng kiến của kế hoạch.

Theo Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, trong hai ngày 14-15/3 tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra cuộc họp của Ủy ban Điều phối Kết nối ASEAN (ACCC), cuộc họp của các đầu mối quốc gia trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng bền vững (LIB-SI) và cuộc tham vấn giữa ACCC và LIB-SI.
Đại sứ Nguyễn Hoành Năm, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại ASEAN, Đại diện Việt Nam tại ACCC, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hoạt động nói trên.
Kiểm điểm tiến độ triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN đến năm 2025 (MPAC 2025), các thành viên ACCC ghi nhận công tác triển khai được tiến hành đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt, cuộc họp đánh giá cao nỗ lực của ACCC trong năm 2017 trong việc phổ biến rộng rãi và quảng bá nội dung MPAC 2025 tới tất cả các cơ quan chuyên ngành, các nước đối tác, các tổ chức quốc tế và khu vực, các thể chế tài chính, doanh nghiệp và người dân; kiện toàn bộ máy hoạt động và cơ chế phối hợp, thành lập các cơ quan đầu mối quốc gia; bước đầu thành công huy động nguồn lực cần thiết để triển khai các sáng kiến của MPAC 2025.
Để bảo đảm việc triển khai tập trung và có hiệu quả, ACCC đã nhất trí cần xây dựng kế hoạch ngắn hạn (từng năm) và dài hạn (ba năm) trong việc triển khai MPAC 2025 cùng lộ trình và kết quả cụ thể ở từng giai đoạn.

Trong thời gian tới, các nước thống nhất sẽ tập trung thúc đẩy việc triển khai các dự án trong khuôn khổ 15 sáng kiến của kế hoạch, trong đó đề cao vai trò trách nhiệm của các cơ quan đầu mối và cơ quan chuyên ngành liên quan.

Bên cạnh đó, cuộc họp cũng đã bước đầu thảo luận mô hình kiểm điểm và đánh giá tiến độ triển khai MPAC 2025.

Theo đó, Singapore, nước Chủ tịch ACCC, đề xuất tổ chức cuộc họp thảo luận về vấn đề này vào tháng 9/2018 tại Singapore.

Nhân dịp này, Singapore đã thông báo về ba dự án ưu tiên triển khai trong năm 2018 về cơ sở hạ tầng, đô thị thông minh và kỹ thuật số. Các lĩnh vực này cũng đồng thời là những ưu tiên trong năm Chủ tịch của Singapore với chủ đề "Tự cường và sáng tạo".
Trước đó, ngày 14/3 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của LIB-SI. Do tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng và tính chất liên ngành, liên trụ cột, đây là lĩnh vực duy nhất được thành lập gồm các cơ quan đầu mối quốc gia phụ trách về phát triển cơ sở hạ tầng bền vững.

Tham dự phiên khai mạc, tân Tổng Thư ký ASEAN, ông Lim Jock Hoi, nhấn mạnh các cơ sở hạ tầng như đường giao thông, cảng biển, hàng không... là nền tảng cho sự phát triển bền vững của các thành phố ở ASEAN.

Dưới áp lực đô thị hoá nhanh chóng, dự báo thêm 90 triệu người dân sẽ di chuyển vào sống trong các thành phố ASEAN đến năm 2030 và chiếm gần 45% dân số, các nước ASEAN hơn bao giờ hết cần sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên và cơ sở hạ tầng hiện tại, cũng như có kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả và sáng tạo để đáp ứng xu thế này.

Do đó, vai trò của LIB-SI càng trở nên quan trọng và cần tiếp tục được củng cố để trở thành cơ quan đầu mối của ASEAN trong việc triển khai tất cả dự án cơ sở hạ tầng trong MPAC 2025.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 tại thủ đô Viêng Chăn, Lào vào tháng 9/2016, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua MPAC 2025 với tầm nhìn tạo ra một ASEAN kết nối và liên kết toàn diện, thông suốt, nhờ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tính bao trùm và ý thức cộng đồng.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 30 và 31 tại Manila, Philippines, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí cần kiện toàn bộ máy triển khai MPAC 2025, trong đó có việc thành lập nhóm các cơ quan đầu mối cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục