Kẻ thắng người thua trong quyết định áp thuế xe điện Trung Quốc của EU

05:30' - 17/06/2024
BNEWS Quyết định tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện Trung Quốc của EC có thể gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp ở cả hai nền kinh tế, nhưng cũng sẽ có những doanh nghiệp hưởng lợi từ quyết định này.

Báo Les Echos vừa đăng bài nhận định tổng quan về hậu quả của quyết định tăng thuế phụ thu mà Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với xe điện Trung Quốc, trong đó hãng ô tô MG “dính đòn” nặng, Tesla và Dacia bị vạ lây, các hãng xe Đức chịu áp lực...

Theo bài viết, sau nhiều tuần chờ đợi, Ủy ban châu Âu (EC) đã ra quyết định tăng thuế hải quan phụ thu cao hơn dự kiến đối với ô tô điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Để đối phó với “các khoản trợ cấp không công bằng”, từ tháng Bảy tới, ngoài mức thuế 10% hiện hành, EC sẽ tạm thời áp dụng một khoản thuế bổ sung khác nhau tùy theo thương hiệu. Đây được coi là một quyết định mà kẻ thắng và người thua không nhất thiết là những gì được tưởng tượng.

SAIC, công ty mẹ của thương hiệu MG, là nhà sản xuất bị xử phạt nặng nề nhất với mức phụ thu lên tới 38,1%. Thuộc sở hữu của tập đoàn nhà nước SAIC từ năm 2007, tái đầu tư vào châu Âu năm 2020, MG cho đến nay đã đạt được thành công lớn.

Theo dữ liệu từ nhà phân tích Matthias Schmidt, các thương hiệu Trung Quốc chỉ chiếm 2,9% tổng doanh số bán ô tô ở Tây Âu trong 4 tháng đầu năm, nhưng riêng MG đã chiếm tới 61% con số này nhờ chính sách giá rất quyết liệt.

Tình hình có thể sẽ bớt tươi sáng hơn trong thời gian tới. Tỷ suất lợi nhuận của MG và BYD ở châu Âu được các nhà phân tích đánh giá là đáng kể. Khi mẫu xe điện MG4 mất quyền tiếp cận phần thưởng sinh thái 4.000 euro (4.290 USD) ở Pháp vào cuối năm 2023, thương hiệu này đã bù đắp bằng việc giảm giá 5.000 euro. Nhưng tới đây, tổng mức thuế nhập cảnh là 48,1% trên khắp châu Âu sẽ khó chấp nhận hơn nhiều và MG chắc chắn sẽ phải tăng giá.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của Kepler-Cheuvreux, cuộc điều tra của Brussels chỉ liên quan đến các mẫu xe thuần điện. Thuế hải quan đối với xe plug-in hybrid và hybrid sẽ không thay đổi. Do vậy, một phần không nhỏ xe của MG sẽ được bỏ qua. Hãng này đã sẵn sàng với mẫu xe đô thị hybrid MG3 cỡ nhỏ để tiếp sức cho MG4 trong năm nay. Đây sẽ là mẫu xe tiên phong, có thể cạnh tranh trực tiếp với Renault Clio và Peugeot 208.

Có vẻ EC đã bớt nặng tay hơn đối với BYD, vốn chỉ bị áp mức thuế phụ thu 17,4% và do đó mức thuế tổng cộng sẽ là 27,4% - mức đủ để tạo ra chi phí bổ sung vài nghìn euro cho mỗi chiếc ô tô. Điều này sẽ làm giảm lợi nhuận dự kiến của hãng tại thị trường châu Âu, trong khi BYD đang tiến hành một cuộc chiến giá cả tàn khốc trên thị trường nội địa.

 
Theo một số nhà phân tích, tỷ suất lợi nhuận có được sẽ cho phép hãng này hấp thụ phần lớn cú sốc, đồng thời vẫn giữ được mức giá thấp hơn đáng kể so với các thương hiệu phương Tây. BYD chắc chắn cũng sẽ đẩy nhanh việc mở rộng ưu đãi ở châu Âu đối với các mẫu xe plug-in hybrid vốn được miễn phụ phí.

Tập đoàn Thâm Quyến cũng đang nóng lòng chờ đợi lễ khánh thành nhà máy sản xuất ở Hungary vào cuối năm 2025 và nhờ vậy sẽ thoát khỏi mọi biện pháp hạn chế nhập khẩu vào châu Âu. MG chậm bước hơn nhưng cũng đang tìm kiếm địa điểm tốt nhất để xây dựng nhà máy.

Geely, nhà sản xuất thứ ba là đối tượng của một cuộc điều tra riêng rẽ, bị áp mức phụ thu 20%. Điều này chủ yếu sẽ tác động đến thương hiệu Volvo mà tập đoàn này nắm quyền kiểm soát. Như vậy, thương hiệu Thụy Điển có thể sẽ buộc phải tăng giá EX30 lắp ráp tại Trung Quốc, trong khi mẫu xe này đứng ở vị trí thứ hai về doanh số bán xe điện ở châu Âu trong tháng 4.

Nhưng Volvo đã thông báo vào mùa Thu năm ngoái rằng từ năm 2025, thương hiệu này sẽ sản xuất một loại xe SUV cỡ nhỏ tại một nhà máy ở Bỉ. Về phần mình, BMW, hãng sản xuất chiếc Mini chạy điện 3 cửa tại Trung Quốc, đang có kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất về Anh từ năm 2026.

Tất cả các thương hiệu sản xuất ô tô điện khác ở Trung Quốc sẽ phải chịu mức phụ thu 21%. Đối với những công ty non trẻ như Nio hay Xpeng, vốn đang tập trung vào các mẫu xe thuần điện và không đủ tầm để mở rộng sản xuất sang châu Âu, “quả đắng” này khó nuốt hơn nhiều. Tài khoản “chìm trong sắc đỏ” chắc chắn sẽ không cho phép các công ty này hấp thụ khoản thuế phụ thu bằng cách giảm tỷ suất lợi nhuận. Điều này sẽ không thúc đẩy doanh số bán hàng mà đến nay vẫn được xem như một phương thuốc chữa bệnh.

Quyết định của Brussels không chỉ nhằm vào các thương hiệu Trung Quốc mà còn hướng đến tất cả các xe ô tô điện nhập khẩu vào châu Âu. Do vậy, việc tăng thuế hải quan cũng liên quan đến các thương hiệu phương Tây đã chọn sản xuất tại Trung Quốc, chẳng hạn như Tesla.

Nhà máy ở Berlin chỉ sản xuất Model Y và tất cả những chiếc Model 3 bán tại “Lục địa Già” đều đến từ nhà máy ở Thượng Hải. Để hỗ trợ doanh số bán mẫu xe cũ này, tỷ phú Elon Musk đã giảm giá và trong quá trình đó, lợi nhuận của tập đoàn đã bị suy giảm nghiêm trọng. Rất có thể, Tesla sẽ phải làm ngược lại nếu chịu mức thuế hải quan bổ sung 21%. Tuy nhiên, nhà sản xuất Mỹ đang yêu cầu được hưởng một cuộc điều tra đặc biệt. Tỷ lệ mà EC sẽ áp dụng cho thương hiệu này sẽ được biết vào tháng 11.

Dacia cũng là trường hợp phải chú ý. Mẫu Spring của thương hiệu này, được nhập khẩu từ Trung Quốc, được xem là mẫu xe điện rẻ nhất trên thị trường. Việc mất khoản tiền thưởng sinh thái 4.000 euro hồi đầu năm ở Pháp khiến số lượng đăng ký mua xe này ở Pháp giảm mạnh (trong tháng 5 chỉ bán được 8 xe). Dacia đang trông đợi vào sự xuất hiện của phiên bản Spring mới để khởi động lại, nhưng mức thuế phụ thu 21% chắc chắn sẽ cản trở kế hoạch của hãng này.

Đáng nói nhất là các hãng xe Đức. BMW, Mercedes, Porsche và Audi đang lo sợ sẽ lọt vào tầm ngắm của Trung Quốc. Bất chấp các nỗ lực không ngừng nghỉ của lãnh đạo tập đoàn nhằm thoát khỏi cuộc điều tra của Brussels, Trung Quốc khẳng định rằng các biện pháp trả đũa của họ cũng có thể liên quan đến việc tăng thuế đối với các mẫu xe châu Âu có phân khối lớn.

Một viễn cảnh làm tê liệt các thương hiệu cao cấp của Đức. Trong suốt một thập kỷ qua, năm này qua năm khác, các thương hiệu Đức đã đạt được 30-40% tổng doanh số bán hàng trên toàn thế giới là nhờ khách hàng Trung Quốc.

Trong khi đó, bằng việc hợp tác với Leapmotor, một công ty khởi nghiệp non trẻ ở Thượng Hải, Carlos Tavares, ông chủ tập đoàn Stellantis tự tin đã tìm thấy cơ hội để nhanh chóng tăng cường cung cấp những mẫu xe điện giá rẻ. Từ tháng 9, tập đoàn này sẽ phân phối hai mẫu xe do đối tác Trung Quốc sản xuất cho một số đại lý ở Nam Âu.

Nhưng quyết định của Brussels sẽ làm giảm lợi thế về giá của chúng. Nhà sản xuất đã nghĩ đến kế hoạch B, lách thuế hải quan bằng cách lắp ráp tại một nhà máy của tập đoàn ở Ba Lan, với các bộ phụ kiện được vận chuyển từ Trung Quốc. Nhưng thực tế có lẽ không đơn giản như vậy.

Trong ngắn hạn và trung hạn, Renault có nguy cơ bị lấn át bởi sự cạnh tranh của Trung Quốc ở phân khúc xe điện giá bình dân. Tuy nhiên, tập đoàn của Pháp có thể kiên nhẫn chờ đợi sự xuất hiện của mẫu Twingo điện với giá 20.000 euro vào năm 2026, cũng như sự xuất hiện của pin hóa học LFP vào cuối năm 2025 để trang bị cho phần lớn các mẫu xe phiên bản đơn giản giá rẻ (bắt đầu với mẫu biểu tượng R5).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục