Keidanren hướng tới nâng tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo

07:38' - 24/11/2020
BNEWS Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nữ giới nắm giữ ở các vị trí quan trọng trong các công ty lớn lên hơn 30% vào năm 2030.

Liên đoàn Doanh nghiệp Nhật Bản (Keidanren) đặt mục tiêu đưa tỷ lệ nữ giới nắm giữ ở các vị trí quan trọng trong các công ty lớn lên hơn 30% vào năm 2030, dấu hiệu mới nhất cho thấy khu vực tư nhân đang hướng tới việc đa dạng hóa lực lượng lao động để duy trì tính cạnh tranh.

Theo dữ liệu của Chính phủ Nhật Bản, mục tiêu do Keidanren đặt ra trong chiến lược tăng trưởng công bố hồi đầu tháng 11/2020 là đầy tham vọng vì phụ nữ chỉ chiếm 5,2% trong số vị trí giám đốc điều hành tại tất cả công ty niêm yết của Nhật Bản tính đến năm 2019.

Sự hiện diện của nữ giới trong vai trò lãnh đạo doanh nghiệp rất thấp là một trong những yếu tố góp phần khiến Nhật Bản giữ vị trí cuối cùng trong số các nền kinh tế tiên tiến lớn trong bảng xếp hạng về khoảng cách giới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Năm 2019, Nhật Bản đứng ở vị trí thứ 121 trong số 153 quốc gia.

Trong chiến lược tăng trưởng của mình, Keidanren cho hay tỷ lệ nữ giới trên nam giới hiện tại trong dân số là 100 nữ trên 94,8 nam, do vậy việc nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo nhiều hơn là “điều đương nhiên”.

Chủ tịch Keidanren và cũng là Chủ tịch Hitachi Ltd, ông Hiroaki Nakanishi nói rằng Chính phủ Nhật Bản quyết định đặt một mục tiêu dù cho bị coi là quá tham vọng vì việc nâng tỷ lệ nữ giới trong lực lượng lao động là rất quan trọng về tính toàn diện và đa dạng trong các doanh nghiệp.

Trước đó năm 2003, Chính phủ Nhật Bản công bố kế hoạch để nữ giới chiếm 30% các vị trí lãnh đạo vào năm 2020 nhưng không đạt được mục tiêu.

Tokyo dự kiến sẽ quyết định mục tiêu điều chỉnh vào tháng 12/2020 khi Nội các thông qua chính sách cơ bản mới trong 5 năm về thúc đẩy bình đẳng giới.

Tỷ lệ nữ giới giữ vai trò quản lý của Nhật Bản rất thấp so với các nước phát triển khác.

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, nữ giới ở Mỹ và Thụy Điển nắm giữ khoảng 40% vị trí quan trọng, trong khi con số này ở Vương quốc Anh và Pháp là hơn 30%.

Giới phân tích cho rằng tập quán lao động lâu đời ở Nhật Bản là xác định sự thăng tiến và mức lương trả cho nhân viên dựa trên thâm niên hoặc thời gian làm việc là một trở ngại lớn đối với phụ nữ đảm nhận vai trò lãnh đạo.

Với nhiều công ty vẫn coi trọng thời gian làm việc dài, phụ nữ có xu hướng bị tụt lại so với các đồng nghiệp nam về nghề nghiệp hoặc khả năng thăng tiến nếu họ dành thời gian cho việc chăm sóc con cái./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục