Kênh đào Panama đầu tư hơn 8,5 tỷ USD ứng phó biến đổi khí hậu

08:04' - 22/03/2024
BNEWS Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (ACP) hôm 21/3 công bố kế hoạch đầu tư hơn 8,5 tỷ USD vào các dự án phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2024-2030.

Phóng viên TTXVN tại Mexico dẫn phát biểu của Phó ban Quản trị kênh đào Panama Ilya Espino tại cuộc họp báo cùng ngày cho biết số tiền đầu tư trên cao hơn đáng kể so với khoản 5,4 tỷ USD mà nước này đã chi cho chương trình mở rộng kênh đào hồi năm 2016.

 

Dự kiến, ACP sẽ dành hơn 3,5 tỷ USD cho dự án nâng cấp hệ thống hạ tầng và thiết bị, bao gồm lắp đặt các tấm pin Mặt Trời, mua sắm xe điện và tàu kéo dùng động cơ hydrid. Cơ quan này cũng sẽ chi hơn 2 tỷ USD để phát triển hệ thống quản lý nước và 2 tỷ USD khác tập trung cho những sáng kiến mới góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của kênh đào. Khoản tiền còn lại rót vào chương trình chuyển đổi kỹ thuật số và giảm phát thải khí nhà kính trong hoạt động vận tải biển.

Bà Ilya Espino cũng cho biết trong giai đoạn 2024 - 2050, kênh đào Panama đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, ACP sẽ tập trung thực hiện cam kết và nỗ lực triển khai các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC) và một số cơ quan khác nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của kênh đào.

Theo kế hoạch, cuối năm 2024, ACP hoàn thành việc đánh giá rủi ro do hiện tượng biến đổi khí hậu gây ra cũng như cam kết thực hiện sáng kiến Mục tiêu dựa trên khoa học (SBTi) về giảm phát thải nhà kính trong giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.

Đề cập đến hoạt động của kênh đào, bà Ilya Espino cho biết tình trạng thiếu nước do hạn hán kéo dài nhiều tháng qua buộc cơ quan này phải giảm lượng tàu thuyền được phép lưu thông qua kênh từ 39 tàu/ngày xuống 24 tàu/ngày. Trong tuần qua ACP đã cho phép tăng lượng tàu được phép di chuyển qua kênh từ 24 tàu/ngày lên 27 tàu/ngày trong bối cảnh mực nước tại các hồ nhân tạo Gatún và Alajuela, nơi điều tiết lưu lượng nước chảy qua tuyến đường thủy xuyên đại dương, được cải thiện hơn.

Khánh thành từ năm 1914, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến châu Mỹ, với lượng container qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ Đông Bắc Á đến Bờ Đông của Mỹ. Việc di chuyển qua kênh đào này cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục