Kênh đào Suez mới sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Cairo?

08:03' - 17/01/2016
BNEWS Kênh đào Suez mới, vừa hoàn thành trong thời gian kỷ lục, được xem là “giấc mơ của người Ai Cập” với kỳ vọng sẽ giúp Cairo có thêm nhiều lợi ích kinh tế.
Kênh đào Suez mới được xem là “giấc mơ của người Ai Cập”. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, Ai Cập sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh, cung cách quản lý và cả sự trì trệ của hoạt động thương mại toàn cầu để khai thác cơ may nhằm vực dậy “xứ sở Kim tự tháp” sau những năm tháng đầy biến động.

Kênh đào Suez mới - Giấc mơ của người Ai Cập

Mở cửa từ năm 1869, kênh đào Suez cũ dài gần 193 km, sâu 29 m, nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ, kết nối châu Âu, châu Á và khu vực châu Phi – Trung Đông. Kênh đào là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Ai Cập khi khoảng 20% hàng hóa giao dịch trên thế giới đi qua đây hàng năm.

Nhận thấy tầm quan trọng của Suez, từ tháng 8/2014, chính quyền Cairo quyết định xây dựng kênh đào Suez mới với vốn đầu tư 9 tỷ USD. Kênh mới dài 72 km, trong đó có 35 km đào mới chạy song song với kênh đào cũ và 37 km đảo mới, mở rộng và nạo vét lòng kênh cũ.

Theo tính toán, kênh đào mới với độ sâu khoảng hơn 20 m sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển của tàu bè, tăng gấp bốn lần lưu lượng vận chuyển. Các tàu có trọng tải lớn cũng có thể đi qua khu vực này, khuyến khích hơn nữa các tàu bè sử dụng kênh đào.

Việc cải thiện khả năng lưu thông tàu thuyền giúp Cairo tăng thêm nguồn thu cho ngân khố đang cạn kiệt vì kinh tế trong nước sa sút và lượng khách du lịch sụt giảm.

Việc cải thiện khả năng lưu thông tàu thuyền giúp Cairo tăng thêm nguồn thu cho ngân khố đang cạn kiệt. Ảnh: Reuters

Dự án mở rộng Suez lấy kinh phí từ nguồn vốn xã hội hóa với phần lớn số tiền đầu tư do người dân đóng góp. Hơn một năm trước, người dân Ai Cập đã ào ạt mua tổng cộng hơn 8 tỷ USD trái phiếu do Ngân hàng trung ương phát hành để góp vốn cho công trình.

Đây là điều đáng ghi nhận vì khi Cairo tuyên bố xây dựng kênh đào mới, truyền thông quốc tế cho rằng không thể làm được điều đó nếu thiếu đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, việc huy động vốn đã được thực hiện khá nhanh chóng và do người Ai Cập đóng góp. Quân đội đã được điều động hỗ trợ xây dựng để hoàn thành công trinh trong thời gian sớm nhất.

Một số công ty nước ngoài đã tham gia vào công trình này nhưng tất cả các phương tiện họ cung cấp đều chịu sự điều khiển của doanh nghiệp Ai Cập. Có nghĩa là họ nhận làm thầu cho các doanh nghiệp “xứ Kim tự tháp”, điều hoàn toàn trái với thực tế lâu nay ở đây.

Ở một chừng mực nào đó, công trình này tái khẳng định vị thế của Cairo trong khu vực, bởi truyền thông thường chỉ hay nhắc tới một số “ông lớn” vùng Vịnh, Qatar hay Dubai mà bỏ qua Ai Cập vì cho rằng đất nước này còn non yếu.

Kênh đào Suez mới – Sẽ mang lại nhiều lợi ích mới cho Cairo?

Công trình khổng lồ mới hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển và tạo thêm việc làm trong các năm tới.

“Hành lang kênh đào Suez” đang đứng trước nhiều cơ hội đầu tư trị giá hàng tỷ USD, trong đó có thể kể đến các dự án hậu cần và dịch vụ, xây dựng nhà máy phát điện sử dụng năng lượng Mặt trời, năng lượng gió và hạ tầng cơ sở.

Nhiều chuyên gia nhận định dự án mới còn mang tính chính trị: Chính quyền Cairo cần đến một sự kiện quy mô lớn để ổn định tình hình và thể hiện rằng chế độ này đóng vài trò chấn hưng nền kinh tể đất nước, giúp đất nước thoát khỏi tình trạng trì trệ hiện nay.

Bên cạnh đó, chính quyền muốn thể hiện quyết tâm rằng Ai Cập ngày nay có thể tiếp nối được với thời vinh quang trong lịch sử. Cairo kỳ vọng dự án sẽ mang về cho đất nước 13,23 tỷ USD vào năm 2023, so với con số 5 tỷ USD năm 2014.

Bất chấp sự quảng bá rầm rộ của chính quyền, nhiều chuyên gia quan ngại hiệu quả kinh tế tương lai của công trình Suez mở rộng, khi dự án được thực hiện đúng vào lúc niền tin trong ngành vận tải biển trên thế giới đang xuống khá thấp.

Nhiều chuyên gia quan ngại hiệu quả kinh tế tương lai của công trình Suez mở rộng. Ảnh: Reuters

Ai Cập có vẻ như đang chạy theo một vinh quang suy tàn trong lúc tỷ trọng tàu thuyền qua Suez có xu hướng sụt giảm liên tục những năm qua. Riêng trong năm 2013, số lượng tàu giảm tới 16% do kinh tế châu Âu đình trệ và tình trạng mất an ninh trong khu vực.

Ngoài ra, mục tiêu mà Cairo đề ra nhằm thúc đẩy kinh tế thông qua phát triển và đầu tư ở hành lang kênh đào mới đang đối mặt với thách thức trong việc duy trì sự ổn định, nhất là về mặt an ninh, và khả năng cạnh tranh.

Vấn nạn tham nhũng cũng là rào cản lớn khiến chính quyền khó thuyết phục nhà đầu tư bỏa ra hàng triệu hay hàng tỷ USD để đầu tư hay thu hút giao thương trên tuyến kênh đào mới.

Điều đáng lưu ý nữa là viễn cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục chưa thật sáng đang là tin không vui với những người đặt hy vọng rằng kênh đào Suez sẽ đầy ắp thuyền bè.

Một số ý kiến cho rằng Ai Cập nên đầu tư vào các dự án công nghệ viền thông sẽ có lợi hơn là hứa hẹn của chính phủ về phát triển một khu vực kinh tế mới ven kênh đào.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục