Kênh thuốc bệnh viện dẫn dắt doanh nghiệp dược

19:10' - 20/12/2021
BNEWS Nhu cầu thuốc kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) dự báo sẽ tăng trở lại vào năm 2022 do nhu cầu dồn nén vào năm 2021.

Thực tế, dù dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện thêm những chủng mới nhưng với việc Chính phủ thúc đẩy hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021, chuyển chiến lược từ Zero-COVID sang "sống chung an toàn với dịch" sẽ giảm bớt lo sợ của người dân khi đến những nơi đông người như bệnh viện. Điều này tác động tích cực đến doanh thu kênh ETC khi kênh này chiếm khoảng 70% thị phần của cả thị trường thuốc.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, kênh ETC còn có thể dẫn đầu tăng trưởng ngành năm 2022 nhờ phạm vi bao phủ bảo hiểm y tế ngày càng rộng, chính sách của nhà nước đang bảo vệ thuốc sản xuất trong nước.

Trước đó, Chính phủ thúc đẩy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, tăng từ 67% năm 2012 lên 91% năm 2020; đồng thời, đặt mục tiêu đưa tỷ lệ này đạt 95% vào năm 2025.

Song song đó, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuộc tại các cơ sở y tế công lập nêu rõ trong Nhóm 5 và Nhóm 2, các loại thuốc nhập khẩu có thể không được phép chào thầu nếu thuốc sản xuất trong nước đáp ứng tiêu chuẩn WHO-GMP và EU-GMP tương ứng về cùng một hoạt chất chính (API) và nếu năng lực sản xuất của công ty có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu.

Trên cơ sở này, quan sát trên thị trường cho thấy, một trong những doanh nghiệp được lợi hưởng lợi từ dư địa tăng trưởng của ngành và xu hướng dài hạn của thuốc kênh ETC là Công ty cổ phần Dược Hậu Giang.

Với chiến lược tăng cường đầu tư kênh điều trị, Dược Hậu Giang đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản). Nhờ sự hỗ trợ của Taisho, 2 dây chuyền sản xuất viên nén và viên nén bao phim của Dược Hậu Giang đã được Cục Quản lý dược công bố đạt chuẩn Japan-GMP ngày 7/12/2020 với danh mục sản phẩm lớn, gần 100 loại thuốc.

Trên thị trường dược hiện nay, chứng nhận Japan-GMP giúp gia tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp nội địa không chỉ trên kênh OTC (bán thuốc không cần kê đơn, chủ yếu ở các tiệm thuốc tư nhân) mà còn ở kênh ETC (bán thuốc qua bệnh viện, bác sĩ) khi thuốc ngoại chiếm phần lớn thị phần thông qua đấu thầu. Nguyên nhân do Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) tạo điều kiện thuận lợi cho các hãng dược phẩm châu Âu tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dược trong nước.

Không chỉ chủ động nâng cao năng lực sản xuất tạo điều kiện cho doanh nghiệp thâm nhập sâu vào kênh ETC, thời gian qua, mức tăng trưởng về giá trị trúng thầu của các doanh nghiệp dược nội địa cũng chỉ ra triển vọng mạnh mẽ của kênh ETC.

Đơn cử đối với Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm, trong 9 tháng năm 2021, doanh nghiệp đã trúng thầu 1,4 nghìn tỷ đồng giá trị hợp đồng trong gói thầu kênh bệnh viện. 96% số tiền này đến từ các loại thuốc Nhóm 1 và 2, là bậc cao nhất về chất lượng thuốc trong bệnh viện. Đáng chú ý, giá trị trúng thầu của IMP trong 9 tháng năm 2021 đã tương đương với 150% giá trị trúng thầu của năm 2020.

Theo quan sát của các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), việc Imexpharm ghi nhận giá trị trúng thầu cao trong mảng kháng sinh ở các nhóm trên nhờ các nhà máy và dây chuyền kháng sinh mới đạt chuẩn EU-GMP đi vào hoạt động. Nhà máy IMP4 được đầu tư lớn nhất với vốn đầu tư 470 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành xét duyệt trong năm 2021 và nhận chứng EU-GMP vào năm 2022, sẽ tạo sức bật cho doanh thu thuốc ETC. Từ đó, mở ra cơ hội thâm nhập sâu hơn vào mảng đấu thầu thuốc Nhóm 1, cũng như gia tăng tính cạnh tranh của Imexpharm trước sự gia nhập ngày càng mạnh mẽ của thuốc ngoại vào thị trường Việt Nam.

Song song đó, Imexpharm chủ động kiểm soát nguyên vật liệu nhằm ứng phó với tình trạng thiếu hụt do dịch COVID-19 giúp doanh nghiệp này có sức đề kháng cao trước biến động nguồn nguyên liệu, góp phần giảm thiểu rủi ro và ổn định biên lợi nhuận. Hiện doanh nghiệp này có chính sách dự trữ nguyên liệu sản xuất và thời gian dữ trữ nguyên liệu hợp lý từ 3-6 tháng, chỉ nhập khoảng 25% giá trị nguyên liệu từ Trung Quốc.

Trước đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã giảm giá xuất khẩu một hoạt chất chính (API) so với những tháng đầu năm. Ngoài ra, Chính phủ Ấn Độ cũng đang đẩy mạnh sản xuất API thông qua hai chương trình khuyến khích liên kết sản xuất vào tháng 11/ 2020 và phê duyệt một chương trình khác vào đầu năm 2021 để thúc đẩy sản xuất API trong nước, góp phần tăng nguồn cung và giảm giá thành nguyên liệu dược. Nhờ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp dược Việt Nam có thể được cải thiện tốt hơn trong năm tới.

Kết quả khảo sát mới công bố của Vietnam Report thông tin, triển vọng của doanh nghiệp dược năm 2022 tích cực hơn so với năm 2021, với 62,5% chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá tăng trưởng sẽ khả quan, tốt hơn một chút, 12,5% lựa chọn tăng trưởng mạnh, tốt hơn nhiều và chỉ có 6,25% đánh giá tăng trưởng sẽ thấp hơn một chút so với năm 2021.

Năm 2021, ngành dược đối mặt với nhiều bất trắc do dịch COVID-19 từ việc giãn cách xã hội, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Sang năm 2022, nhờ kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh trong 2 năm liền, Việt Nam cũng như các nước trong chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu sẽ có những biện pháp kịp thời hơn để tăng cường phòng bị và ngăn chặn những đợt bùng phát mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục