Kéo dài Thông tư 02/2022/TT-NHNN: Doanh nghiệp nhẹ gánh trả nợ

17:59' - 06/05/2024
BNEWS Việc Nhà nước tiếp sức bằng cách kéo dài thời gian trả nợ cũ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ là trợ lực rất quý cho doanh nghiệp.

Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các Ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng, tức tới hết năm 2024 theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN (Thông tư 02) về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, khi được gia hạn, doanh nghiệp sẽ được nhẹ gánh hơn trong vấn đề trả nợ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, tình hình sản xuất của SKD đang khởi sắc hơn khi các đơn hàng rất dồi dào. Do vậy, nhu cầu về vốn để nhập linh phụ kiện sản xuất tăng lên.

“Việc Nhà nước tiếp sức bằng cách kéo dài thời gian trả nợ cũ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ là trợ lực rất quý cho doanh nghiệp. Bởi chúng tôi sẽ có thêm nguồn kinh phí để chuẩn bị cho các đơn hàng về cuối năm, vài trăm triệu đồng cho đến cả tỷ đồng. Sau đó, chúng tôi hoàn toàn có thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ cho phía ngân hàng”, ông Kết nói. 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Công ty Tầm nhìn Việt cho hay, việc kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng và Nhà nước. Với chính sách này, doanh nghiệp sẽ có thêm thời gian thu xếp trả nợ, thuận lợi hơn trong thanh toán và kế hoạch tài chính, tái cơ cấu tình hình sản xuất.

Đặc biệt sẽ không bị áp lực về việc chuyển nhóm nợ xấu, dòng tiền khi thời điểm cuối năm được dự báo sự phục hồi sẽ mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp cần nhiều vốn hơn cho sản xuất và chăm lo người lao động. 

Theo các chuyên gia kinh tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là mong muốn của cả phía doanh nghiệp và ngân hàng, trong bối cảnh kinh tế phục hồi nhưng nhu cầu tín dụng chưa thực sự mạnh. Đặc biệt, khi Thông tư 02 hết hạn vào tháng 6/2024 này, áp lực trả nợ với doanh nghiệp sẽ là rất lớn, dẫn đến chuyển nhóm nợ xấu.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng, nợ xấu hiện ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong năm sau. Hơn nữa, kinh tế còn nhiều khó khăn, do đó các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi là rất cần thiết; trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp quan trọng đối với doanh nghiệp.

Ông Đào Phan Long, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho rằng, việc kéo dài Thông tư 02 thêm 6 tháng là hoàn toàn hợp lý.

“Chúng tôi kỳ vọng sự hồi phục mạnh mẽ hơn vào quý III và IV năm nay. Doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ trả lãi, trả nợ tốt hơn, từ đó nợ xấu sẽ giảm đi. Trong 6 tháng này, doanh nghiệp sẽ tận dụng chính sách để hồi phục. Về phía ngân hàng cũng có thêm thời gian cơ cấu các khoản nợ, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức cho phép”, ông Long nói.

Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hỗ trợ là cần thiết song không nên kéo dài gia hạn Thông tư 02 quá lâu. Bởi lẽ nền kinh tế đang bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, tình hình hấp thụ vốn tích cực hơn, trong bối cảnh đó, phải để thị trường vận hành theo đúng quy luật và nguyên tắc thương mại; tránh ảnh hưởng tới chất lượng tài sản có của ngân hàng, làm giảm nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam cũng cho rằng, doanh nghiệp đã ra “biển lớn”, vì vậy phải tự lực cánh sinh, lường trước những khó khăn có thể xảy ra để thu xếp kế hoạch tài chính của mình, Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ một phần.

Nếu thời gian gia hạn quá dài sẽ không tốt cho nền kinh tế. Nợ xấu tiềm tàng tăng mạnh có thể gây rủi ro sau này. Đồng thời làm giảm đi sự nỗ lực của chính bản thân doanh nghiệp, ông Bình đánh giá.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục