Kết nối doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm

13:54' - 15/08/2019
BNEWS Sáng 15/8, Bộ Công Thương phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam.
Phiên chợ nông sản nằm trong chuỗi các hoạt động ngày hội Du lịch huyện Kbang, Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Sáng 15/8, Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương phối hợp cùng Sở Công Thương tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, tăng cường hoạt động liên kết trong chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hỗ trợ gắn kết bền vững giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp phân phối.

Hội nghị có sự tham dự của hơn 20 Sở Công Thương các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên cùng khoảng 180 doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng Việt Nam.

Hội nghị nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chú trọng kết nối cung cầu sản phẩm có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng hướng tới tiêu dùng xanh vào hệ thống bán lẻ; tạo cơ hội cho các hộ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước cũng như hỗ trợ gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, phương thức kinh doanh nhằm kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm.

Qua 10 năm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đã có hơn 1.000 hội nghị kết nối cung cầu do các Sở Công Thương trên cả nước tổ chức; trên 50 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa sản xuất trong nước cấp vùng, miền.

Nhờ đó, hàng hóa được lưu thông thuận lợi, thúc đẩy sản xuất phát triển; người tiêu dùng được sử dụng hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý; doanh nghiệp phân phối có nguồn hàng ổn định với đa dạng đặc sản vùng miền, thu hút khách hàng, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư.

Riêng tại Gia Lai, sau 10 năm, các siêu thị đã đăng ký tăng tỉ lệ hàng Việt trên 95% trong cơ cấu hàng hóa của đơn vị; doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các chợ và trung tâm thương mại tổ chức nhiều đợt khuyến mại để thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng Việt.

Bà Châu Hoàng Thy - Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku chia sẻ, hệ thống siêu thị Co.op Mart đã xây dựng, thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp Việt trong quảng bá, phân phối sản phẩm tới tay người tiêu dùng. Đối với các nhà sản xuất nước uy tín, Co.op Mart hợp tác để phát triển hàng nhãn riêng; trở thành cầu nối thông tin từ người tiêu dùng đến nhà sản xuất để doanh nghiệp có định hướng cải tiến, phát triển sản phẩm. Đến nay, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam đã chiếm tỉ trọng 90 – 95% trong cơ cấu hàng hóa bày bán tại Co.op Mart.

Là doanh nghiệp phân phối lớn, có uy tín lâu năm tại Gia Lai, Doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung hiện đang xây dựng các điểm bán hàng đặc sản Tây Nguyên, đặc sản vùng miền; trong đó chủ lực là cà phê. Việc tạo ra mối liên kết với doanh nghiệp ký gửi sản phẩm và ký kết mua bán hàng hóa luôn được đơn vị này chú trọng. Cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, công nhân tay nghề cao, Doanh nghiệp tư nhân Thùy Dung hiện phân phối nhiều dòng sản phẩm như: cà phê Robusta, truyền thống, Kuli – Arabica – Moka, chế Fhin hoặc Espresso.

Bên cạnh cà phê, các sản phẩm đặc sản khác tại Tây Nguyên luôn được công ty trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến, sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn. Doanh nghiệp này bày tỏ mong muốn được cơ quan chức năng giúp đỡ trong kết nối giao thương, tìm đầu ra thị trường trong nước và quốc tế.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho rằng, hiện hoạt động kết nối cung cầu được phát triển mạnh mẽ, kết nối từ người nông dân, công nhân, người lao động vùng sâu, vùng xa đến với các chuỗi hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước; góp phần tăng tỉ lệ hàng Việt Nam tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ.

Thời gian tới, rất cần sự chung tay vào cuộc của các cấp ngành, địa phương, doanh nghiệp... để đẩy mạnh vai trò kết nối, hợp tác; tăng cường giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn - bà Nga chia sẻ.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tham gia lễ ký kết 25 cặp kết nối hợp tác, liên kết giữa nhà sản xuất và nhà phân phối của 50 doanh nghiệp trong khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục