Kết nối giao thương sản phẩm OCOP và đặc sản các vùng miền

21:45' - 06/12/2019
BNEWS Chiều 6/12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo quảng bá giới thiệu, kết nối giao thương sản phẩm Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) và đặc sản các vùng miền trên toàn quốc.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đỗ Phương Anh - TTXVN

Chương trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức. Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, hiện nay tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2010 - 2018 của Hà Nội là 3,38%/năm. Toàn thành phố có 133 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và các mô hình này đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng quan tâm phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn. Đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi như: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn; phát triển sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao…

Hà Nội hiện có 154 vùng sản xuất lúa chất lượng cao, với diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt 55 nghìn ha, chiếm 55,5% tổng diện tích sản xuất lúa của toàn thành phố. Các mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thực phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã đem lại hiệu quả thiết thực, làm giảm chi phí đầu vào, sản phẩm có chất lượng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Liên quan đến công tác hỗ trợ kết nối sản xuất tiêu thụ, xúc tiến thương mại các sản phẩm theo chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, Hà Nội đẩy mạnh công tác kết nối, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm đối với 135 chuỗi liên kết được xây dựng; xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với 21 tỉnh, thành phố trong Ban điều phối Chuỗi cung cấp rau thịt an toàn cho thành phố. Qua đó, Hà Nội và các địa phương đã xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được nhận diện theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đặc biệt, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 4 sự kiện kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền được doanh nghiệp, nhà sản xuất và người tiêu dùng đánh giá cao.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các giải pháp kết nối trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, nông sản thực phẩm đặc sản, tiêu biểu của thành phố Hà Nội cũng như các vùng miền trên cả nước.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty cổ phần Xúc tiến thương mại nông nghiệp Việt Nam nhận định, các sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố là các sản phẩm đặc thù, phần lớn được sản xuất “siêu nhỏ” nên việc phát triển sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Để sản phẩm OCOP phát triển cần có đầu mối hỗ trợ các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP. Ví như cốm Làng Vòng đã có thương hiệu, nhưng cần được cụ hóa trên giấy tờ để chuẩn hóa thành sản phẩm OCOP thì các đơn vị lại rất e ngại.

Một vấn đề nữa được ông Đỗ Hoàng Thạch đề cập là sản phẩm OCOP sống được hay không sau khi đã được bình chọn và chấm điểm? Do đó, việc kết nối, xây dựng điểm quảng bá sản phẩm OCOP là hết sức quan trọng. Hà Nội cần kết nối giới thiệu sản phẩm OCOP với các tỉnh, thành phố và ngược lại; đồng thời có chương trình giới thiệu trực tiếp đến người tiêu dùng để người tiêu dùng có thể thử, trải nghiệm sản phẩm. Có như vậy, sản phẩm OCOP mới có thể lan tỏa cả về chiều rộng và chiều sâu.

Ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ, Tây Hồ phát triển nhiều chuỗi sản phẩm an toàn có kiểm soát, các cửa hàng kinh doanh trái cây có gắn biển nhận diện trái cây an toàn, phát triển hơn 50 cửa hàng tiện ích, góp phần đưa sản phẩm an toàn đến với người tiêu dùng trên địa bàn. Quận Tây Hồ cũng cam kết tuyên truyền cho các sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền, phát triển chuỗi liên kết; hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiến sâu vào địa bàn quận thông qua các siêu thị, nhà hàng, chợ…

Tại hội thảo, các đơn vị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên./.

Xem thêm:

>>Lào Cai giới thiệu nhiều nông sản đặc sản tại Thủ đô

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục