Kết nối tiêu thụ rau vụ Đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng

14:17' - 20/11/2021
BNEWS Sáng 20/11, Ban chỉ đạo Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức diễn đàn Kết nối tiêu thụ rau vụ Đông các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.

Vụ Đông là vụ sản xuất đặc trưng và quan trọng của các tỉnh phía Bắc. Hầu hết các địa phương đều đã xác định vụ Đông là vụ chính, sản xuất hàng hóa chính với sản phẩm đa dạng, có thị trường tiêu thụ và mang lại giá trị thu nhập cao cho nông dân.

Hải Dương là địa phương có cây vụ Đông không những đa dạng, phong phú về chủng loại mà còn đảm bảo chất lượng. Nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu VietGAP, GlobalGAP… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu với sản lượng lớn như cà rốt, bắp cải, hành, tỏi và một số loại rau khác… đem lại giá trị kinh tế cao.

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã gieo trồng được 20.000/21.000 ha cây vụ Đông. Diện tích sản xuất tập trung, quy mô lớn, đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nhiều cơ sở sản xuất đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao, cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, hình thành mô hình chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nhằm thúc đẩy đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Điển hình Hải Dương có 6.300 ha hành tỏi, với sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. 70% tiêu thụ tại các tỉnh trong trong nước, 30% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đặc biệt Hải Dương có gần 1.550 ha cà rốt, với sản lượng 75.000 tấn/năm. Diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP khoảng 500 ha. Sau thu hoạch, được sơ chế sạch để tiêu thụ ngay hoạch bảo quản lạnh và sấy khô. Toàn tỉnh có trên 30 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sơ chế cà rốt phục vụ xuất khẩu.

Cà rốt được tiêu thụ trong nước và 90% để xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… Bên cạnh đó, Hải Dương còn nhiều loại nông sản có tiềm năng xuất khẩu được như: hành tỏi, su hào, bí xanh, bí đỏ với sản phẩm hấp chín cấp đông, sấy khô.

Ông Vũ Việt Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương cho biết, toàn tỉnh có 201 doanh nghiệp chế biến nông sản có quy mô tương đối lớn và 12.560 cơ sở là các hộ sản xuất cá thể, hợp tác xã… thu gom, sơ chế, sấy khô. Tuy vậy, hiện tại tỷ lệ nông sản qua sơ chế, chế biến trên địa bàn tỉnh còn thấp.

Là một trong những tỉnh cửa ngõ Thủ đô, ông Ngô Mạnh Ngọc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, Hà Nam sẽ có khoảng 100.000 tấn rau vụ Đông, tập trung chủ yếu su hào, bắp cải, dưa chuột bao tử, bí xanh, bí đỏ, rau ăn lá…

Địa phương có thị trường chủ yếu là Hà Nội. Riêng cây dưa chuột bao tử xuất khẩu đã ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu cho 6 nhà máy trên địa bàn tỉnh với sản lượng gần 18.000 tấn

Các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh Hà Nam cần tiêu thụ từ nay đến Tết Nguyên đán 2022 là rau các loại vụ Đông, quả có múi, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm, cá nước ngọt. Thời vụ thu hoạch tập trung các cây trồng vụ Đông cuối tháng 12 đến đầu tháng 1 nên đây là thời điểm cần huy động nhiều doanh nghiệp, đối tác, thương lái tập trung thu mua nông sản cho nông dân.

Có thể tiêu thụ lượng hàng hóa lớn tiêu thụ trên kênh phân phối và xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Diễn Hằng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam (Vinanutrifood) cho rằng, các địa phương hiện nay có nguồn hàng lớn nhưng hệ thống sơ chế, chế biến lại đang kém, chưa theo kịp năng lực sản xuất.

Địa phương cần đầu tư hơn trong khẩu sơ chế, đóng gói để doanh nghiệp có thể chỉ việc liên hệ với địa phương, hợp tác xã là có thể tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Bà con đã trồng được sản phẩm nhưng cần có đầu tư sơ chế, đóng gói, thậm chí có thể sấy khô.

Hiện doanh nghiệp đang tiêu thụ sản phẩm nông sản tại 63 tỉnh thành cho hệ thống siêu thị NutriMart và doanh nghiệp luôn ưu tiên các doanh nghiệp, hợp tác xã nhỏ vừa vừa. Tuy nhiên, hợp tác xã cần xây dựng mô hình sơ chế đóng gói, để bà con có thể đưa hàng đến đó để hoàn thiện sản phẩm.

Trong chiến lược kinh doanh của mình, Vinanutrifood vừa đăng ký 200m2 sàn kinh doanh ở khu vực miễn thuế tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn để phục vụ nhu cầu tìm hiểu hàng mẫu, mua thử của các doanh nhân Trung Quốc sau khi tình hình dịch bệnh được cải thiện. Vinanutrifood mong muốn tiếp cận, kết nối với bà con nông dân để có nguồn hàng chất lượng, phục vụ cho  xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng cho hay,

Ông Trần Phương Minh, Giám đốc ban Thương mại quốc tế, Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Thagri, việc kiểm soát chất lượng từ vùng trồng đến xuất khẩu cần làm tốt hơn. Công ty có thế mạnh về logistics và xuất khẩu. Doanh nghiệp mong muốn kết hợp với hợp tác xã, vùng trồng để giúp bà con hiểu được xu hướng, thị hiếu thị trường để từ đó áp dụng vào sản xuất. Công ty có thể hỗ trợ bà con vận chuyển, bảo quản hàng hóa trong  xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, vụ Đông là vụ quan trọng nhất của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng với sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn, chủ yếu là cây ngắn ngày.

Thứ trưởng hi vọng việc tiêu thụ làm sao để người tiêu dùng được thụ hưởng những sản phẩm chất lượng, người sản xuất được hưởng thành quả xứng đáng. Để giải quyết vấn đề này, cần xây dựng chương trình kết nối nông sản an toàn tới các trang trại, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm cho các khu công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục