Kết nối tiêu thụ sản phẩm nội khối giữa các doanh nghiệp Việt

16:36' - 28/05/2020
BNEWS Ngày 28/5, đông đảo các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tham dự hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 2020 do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức.

Hội nghị thu hút sự tham gia của 200 doanh nghiệp công nghiệp chủ lực, sản xuất hàng tiêu dùng, vườn ươm, khởi nghiệp sáng tạo, thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, du lịch, dịch vụ, bảo hiểm, ngân hàng, doanh nghiệp của các hiệp hội, các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố và các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, trong nỗ lực giảm thiểu ảnh hướng từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, triển khai các giải pháp khôi phục, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hội nghị là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các địa phương và các cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại của nước ngoài tại Việt Nam gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt trên thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Sửu cũng nhấn mạnh, UBND thành phố rất mong các doanh nghiệp cùng chung tay vượt qua các khó khăn, đồng hành, hỗ trợ nhau cùng phát triển thông qua việc ký kết tiêu thụ sản phẩm vào các kênh phân phối.

Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng đưa sản phẩm của doanh nghiệp Hà Nội đến với người tiêu dùng trong cả nước, kết nối tiêu thụ sản phẩm nội khối giữa các doanh nghiệp Việt; tìm kiếm khai thác đa dạng các thị trường xuất khẩu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Hà Nội hiện có 284.484 doanh nghiệp và mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước gồm 26 trung tâm thương mại, 145 siêu thị, 455 chợ, khoảng 1.400 cửa hàng tiện lợi, 768 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 65 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm….

Với dân số 10,3 triệu người dân đang sinh sống, học tập làm việc trên địa bàn, có thể nói Hà Nội là thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn, có khả năng tập trung, đưa luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu, có nhiều cơ hội hợp tác, giao thương để phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm bền vững và bình ổn thị trường.

Trong những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19, các doanh nghiệp cả nước và Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng công nghiệp, thương mại, du lịch trên địa bàn thành phố 4 tháng đầu năm 2020.

Chỉ số sản xuất công nghiệp của Hà Nội tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 6,3%, trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa chiếm 68,3% và 5,8% ; doanh thu khách sạn, nhà hàng chiếm 7,2% và giảm 40,9% ; doanh thu du lịch lữ hành chiếm 1,1% và giảm 51,2% ; doanh thu dịch vụ tiêu dùng khác chiếm 23,4% và giảm 15,5%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt trên 4,3 triệu USD, giảm 4,7%...

Tại hội nghị các đại biểu cũng đã nêu lên những khó khăn và giải pháp khắc phục để cùng với thành phố Hà Nội vượt qua khó khăn, đạt mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra.

Cụ thể, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, là đơn vị doanh nghiệp chủ lực của thành phố Hà Nội, May 10 đã triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", cũng như nhiều doanh nghiệp khác, May 10 cũng bị đứt nguồn cung, tháng 4 tiếp tục đối mặt với mối nguy đứt cầu.

Dù hết sức khó khăn, song doanh nghiệp phải tìm mọi cách để khắc phục khó khăn. Nhờ sự nỗ lực của doanh nghiệp và các ngành chức năng, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất.

Theo bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH bán lẻ BRG Retail, tháng 4 vừa qua, dù có giãn cách xã hội, tuy nhiên thực hiện chủ trương của thành phố Hà Nội, có 22 siêu thị, 19 cửa hàng tiện ích, dự kiến mở thêm 7 điểm trong tháng 6. Mục tiêu nâng lên 100 điểm tại cả Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh việc mở rộng bán lẻ, doanh nghiệp  còn mở thêm hình thức bán lẻ trực tuyến hỗ trợ người tiêu dùng đã dạng hình thức mua sắm tiện lợi.

Ông Nguyễn Anh Phương, Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, có hệ thống phân phối 20 siêu thị trên khắp cả nước, lấy tiêu chí hình thành chuỗi cung ứng bền vững, đã làm việc với hơn 20.000 hộ nông dân trên cả nước để cung ứng các sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng với giá cả hợp lý nhất đến người tiêu dùng. Từ 2018, đã hướng tới xuất khẩu nông sản cho các thị trường trong khu vực, 2019 xuất khẩu hơn 1.000 tấn sản phẩm nông sản sang Thái Lan.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, làng nghề mây tre đan Phú Vinh cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về nguyên liệu, cận kiệt nhân lực, các làng nghề đang phải nỗ lực thay đổi mẫu mã sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phải đóng cửa toàn bộ xưởng sản xuất, giảm giá lao động nên đời sống của người lao động rất khó khăn, khó khăn về đầu ra. Mong qua hội nghị này, các cơ quan chức năng hỗ trợ các làng nghề tạo điều kiện kết nối thương mại với các thị trường trong và ngoài nước.

Đồng quan điểm này, bà Trương Thị Mỹ Nghệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch thành phố Hà Nội, 80% doanh nghiệp ngành du lịch không hoạt động được. Đây là thời điểm các địa phương đẩy mạnh kích cầu du lịch, các đơn vị phải bắt tay nhau tạo chuỗi liên kết lớn nhất của toàn ngành du lịch. Doanh nghiệp đã giảm giá sâu để kích cầu  tuy nhiên rất cần cơ quan nhà nước là bệ đỡ hỗ trợ ngành du lịch phát triển bằng những hành động cụ thể như: có giờ bay hợp lý…

Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao biên bản ghi nhớ hợp tác với mục tiêu cụ thể hóa, tăng cường mối liên kết trong việc kết nối, khai thác, tiêu thụ và xuất khẩu hàng Việt giữa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với các doanh nghiệp phân phối và xuất khẩu, qua đó, góp phần tạo động lực cho các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới.

Biên bản ghi nhớ giữa doanh nghiệp nội khối Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nguyên vật liệu sản xuất: Công ty TNHH Hoàng Vũ với Công ty cổ phần tập đoàn Sunhouse,  Công ty cổ phần 22; Công ty TNHH Mega Market Việt Nam ký kết với 17 doanh nghiệp cung ứng với các mặt hàng đưa vào hệ thống phân phối như: bánh mứt kẹo các loại, cà phê, hạt điều, lương khô, nước đóng chai, đồ gia dụng, nhà bếp, thực phẩm gia vị, thời trang… ; Công ty TNHH Bán lẻ BRG ký kết với 8 doanh nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục