Kết quả trưng cầu dân ý tại Italy và những tác động đối với kinh tế

18:13' - 05/12/2016
BNEWS Kết quả trưng cầu dân ý tại Italy đã có những tác động tức thời đến các thị trường tài chính và sẽ có những ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của nước này cũng như khu vực.
Đồng euro đã bị sụt giá mạnh so với đồng USD sau kết quả trưng cầu dân ý tại Italy. Ảnh minh họa: history.co.uk

Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 60% số cử tri Italy đã bỏ phiếu phản đối trong cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch cải cách hiến pháp diễn ra ngày 4/12. Kết quả này đã có những tác động tức thời đến các thị trường tài chính và sẽ có những ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của Italy cũng như khu vực.

Đồng euro đã bị sụt giá mạnh so với đồng USD. Chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn như ở Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc cũng bị tác động và đều có những thời điểm giảm điểm đáng kể trong phiên giao dịch ngày 5/12.

Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý là một đòn mạnh tức thời đánh vào lòng tin của các nhà đầu tư. Mặc dù một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện ở Italy có thể sẽ không xảy ra, nhưng cuộc bỏ phiếu vừa qua sẽ vẫn ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế của nước này.

Do Italy là nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng sử dụng đồng euro (Eurozone), nên điều này cũng sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu.

Trong ngắn hạn, cú đánh mạnh vào lòng tin của các nhà đầu tư như đã đề cập ở trên có thể làm chệch hướng đà phục hồi kinh tế vốn đang mong manh của Italy, đồng thời các công ty sẽ cắt giảm đầu tư và các kế hoạch thuê mướn nhân công.

Một triển vọng kinh tế ảm đạm, cộng với tình trạng bất ổn chính trị gia tăng, sẽ khiến lãi suất trái phiếu của Italy bị nâng lên. Các ngân hàng mong manh dễ vỡ của Italy cũng như gánh nặng nợ công đang gia tăng của nước này sẽ trở thành mối quan ngại chủ yếu của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, cú sốc về lòng tin trong ngắn hạn không thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ. Hệ thống ngân hàng Italy đang gánh một khoản nợ xấu khổng lồ lên đến 360 tỷ euro (380 tỷ USD) và đang rất cần tái tài trợ.

Nhưng chương trình mua trái phiếu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ là một lá chắn hữu hiệu, có thể ngăn chặn tình trạng bán tháo các khoản nợ của Italy. Kể từ khi chương trình nới lỏng định lượng của ECB được triển khai, thị trường trái phiếu của Italy đã trở nên ít nhạy cảm hơn trước những sức ép về chính trị và kinh tế.

Ngoài ra, trong trường hợp sức ép nợ công lại tăng lên, ECB có thể sẽ kích hoạt lại chương trình "Giao dịch tiền tệ công khai", gọi tắt là OMT, để kìm lãi suất trái phiếu Italy ở mức thấp và đảm bảo duy trì sự tiếp cận với thị trường Italy.

Và mặc dù cú sốc đó sẽ làm gia tăng những quan ngại đối với hệ thống ngân hàng của Italy, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng tức thời chỉ ở mức hạn chế. Các mắt xích yếu nhất trong ngành ngân hàng của nước này đã phần nào được củng cố, và các ngân hàng của nước này trong những tháng gần đây đã có nhiều cải thiện về vốn.

Bên cạnh đó, những cuộc trắc nghiệm nhằm đánh giá sự ổn định của các ngân hàng cũng đã tăng cường sự minh bạch cho hệ thống ngân hàng của Italy.

Do một cuộc khủng hoảng chính trị toàn diện ở Italy sẽ không xảy ra, cú sốc về lòng tin sẽ có những tác động nhất định nhưng không đến mức quá nghiêm trọng. Người tiêu dùng và giới kinh doanh Italy lâu nay đã quá quen thuộc với môi trường chính trị thường xuyên bất ổn ở nước này.

Kể từ năm 1945 đến nay, Italy đã trải qua tới 63 chính phủ. Ngoài ra, khả năng bầu cử sớm cũng ít có khả năng xảy ra nên GDP của nước này dự kiến sẽ vẫn tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2017, nhưng sẽ ở mức thấp hơn so với các dự báo trước đó khoảng 0,5 điểm phần trăm.

Một điểm cần lưu ý khác là chương trình mua trái phiếu của ECB cũng sẽ trở thành lá chắn cho các thị trường trái phiếu ở Eurozone và giúp ngăn chặn hiệu ứng lây lan từ Italy. Dự kiến, chính sách của ECB sẽ vẫn được nới lỏng và kéo dài trong bối cảnh cuộc trưng cầu dân ý vừa qua ở Italy.

Nhưng các cải cách kinh tế của Italy giờ đây sẽ bị dẫm chân tại chỗ, ít nhất cho đến năm 2018, và một số chuyên gia cho rằng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý sẽ tác động đến triển vọng kinh tế dài hạn của Italy hơn là ngắn hạn.

Những phân tích ở trên cho thấy khủng hoảng kinh tế dự kiến sẽ rất ít khả năng xảy ra ở Italy cũng như Eurozone trong thời gian tới.

>>> EC: Italy sẽ tiếp tục vi phạm quy định về nợ công và thâm hụt ngân sách

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục