Kêu gọi đầu tư để giải bài toán thoát nghèo tại Sóc Trăng

11:39' - 10/02/2018
BNEWS Năm 2017 đã đánh dấu một năm thành công trong kêu gọi thu hút vốn đầu tư của tỉnh Sóc Trăng.
Kêu gọi đầu tư để giải bài toán thoát nghèo tại Sóc Trăng. Ảnh minh họa: TTXVN
Để sớm đưa Sóc Trăng trở thành tỉnh có các chỉ số kinh tế - xã hội phát triển ngang hàng và vươn lên trở thành tỉnh trung bình khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh, những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quan trọng về đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và góp phần giải quyết nhiều việc làm mới cho người dân.

* Kêu gọi đầu tư để thu hút vốn

Năm 2017 đã đánh dấu một năm thành công trong kêu gọi thu hút vốn đầu tư của tỉnh Sóc Trăng. Theo đó, tỉnh đã tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh như tổ chức thường xuyên đối thoại với doanh nghiệp mỗi năm 2 lần để nắm bắt nhu cầu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh cũng như hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của nhà đầu tư được cho là rất cần thiết. Hơn nữa, việc thành lập bộ phận công tác, phối hợp giải quyết thủ tục đầu tư dự án cho doanh nghiệp đã góp phần giúp các thủ tục được nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, tỉnh đã lập danh mục 89 dự án cần ưu tiên kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 và tiếp tục rà soát cập nhật, bổ sung trong thời gian tới. Ưu tiên phát triển các cụm, khu công nghiệp để giải quyết việc làm cho lao động địa phương, điều chỉnh quy hoạch các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố, tùy theo điều kiện địa bàn thế mạnh địa phương để ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến thủy hải sản, nông sản hay công nghiệp giày da, cơ khí…

Hiện tỉnh cũng đang xây dựng quy trình thực hiện thủ tục đầu tư của doanh nghiệp từ khi bắt đầu tiếp cận dự án đến khi dự án đi vào hoạt động nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và các cơ quan hành chính giải quyết nhanh chóng thủ tục cũng như tăng cường xúc tiến và giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.

Thống kê cho thấy, năm 2017 tỉnh đã tiếp xúc hơn 100 lượt nhà đầu tư và đã có 26 dự án đăng ký đầu tư, tăng 12 dự án so với năm 2016; có 360 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,2% số doanh nghiệp đăng ký so với năm 2016.

Một số dự án mà doanh nghiệp đã xúc tiến đầu tư vào tỉnh có quy mô lớn, giải quyết nhiều việc làm cho người dân địa phương phải kể đến là: doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Công ty May Nhà Bè… đăng ký đầu tư nhà máy may mặc xuất khẩu, giày da với tổng số khoảng 20.000 lao động, một số dự án đã triển khai thực hiện, đang xây dựng nhà xưởng, tuyển dụng lao động phục vụ sản xuất.

Đáng lưu ý, nhà đầu tư SuperDong-Kiên Giang đã đầu tư khai thác tuyến tàu Cao tốc Sóc Trăng đi Côn Đảo, đã đi vào hoạt động, đưa khách từ Sóc Trăng ra Côn Đảo chỉ trong thời gian 2 tiếng rưỡi.

Điều này đã góp phần kết nối Côn Đảo-điểm du lịch hấp dẫn, linh thiêng của tổ quốc với Sóc Trăng, Côn Đảo với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long ở cự ly gần nhất, có thời gian chạy tàu từ đất liền ra chỉ bằng 1/5 so với tuyến cao tốc Vũng Tàu-Côn Đảo (12 tiếng), mở ra cơ hội phát triển du lịch, tua, tuyến kết nối Sóc Trăng với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, trong việc chọn lựa nhà đầu tư, tỉnh đã chú trọng đến phát triển bền vững, xanh, sạch, không để ô nhiễm môi trường gây ảnh hưởng đến sản xuất.

Thực tế đã có nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu, xin mở nhà máy nhuộm và thuộc da, qua nghiên cứu lãnh đạo tỉnh đã bác bỏ, không chấp nhận dự án như vậy do lo ngại 2 ngành sản xuất này gây ảnh hưởng nặng đến ô nhiễm môi trường, thuộc da và nhuộm, sử dụng nhiều đến hóa chất và mùi hôi khó chịu ảnh hưởng đến cộng đồng, đặc biệt lượng nước xả thải trong công nghiệp nhuộm và thuộc da rất lớn nếu xả ra sông Hậu rồi bà con lấy nước nuôi tôm, nuôi cá sẽ gây hệ lụy khôn lường.

* Giải bài toán thoát nghèo

Là tỉnh có dân số trẻ, trong số hơn 1,3 triệu dân thì tỉnh Sóc Trăng có gần 820.000 người trong độ tuổi lao động. Gần 650.000 người có việc làm, số còn lại hơn 170 ngàn lao động thiếu việc làm hoặc việc làm chưa ổn định, nhu cầu việc làm trong nhân dân là rất lớn.

Để giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động, trong chính sách kêu gọi thu hút vốn đầu tư vào địa phương, tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến các dự án có sử dụng nhiều lao động tại chỗ, nhất là con em đồng bào dân tộc Khmer, diện chính sách và được đào tạo nghề.

Đã có một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư và đang triển khai dự án như: Tập đoàn Young One Hàn Quốc, Công ty may Nhà Bè, doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) về giày da… khi dự án đi vào hoạt động trong năm 2018 sẽ thu hút từ 12.000 đến 20.000 lao động tại địa phương.

Ngoài ra, Sở Lao động-Thương binh xã hội phối hợp với Ban quản lý các khu công nghiệp và các địa phương đã chủ động liên hệ, nắm bắt nhu cầu lao động của các doanh nghiệp, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động có nhu cầu tìm hiểu, đăng ký tham gia tìm kiếm việc làm, thông qua các trung tâm xúc tiến việc làm hoặc các công ty, doanh nghiệp cần nhu cầu tuyển dụng lao động…

Theo ông Lê Hoàng Điện, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh xã hội tỉnh Sóc Trăng: Sóc Trăng luôn coi công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm là bài toán căn cơ để giúp người dân tăng cao thu nhập, có việc làm ổn định, nâng cao mức sống, điều kiện sống, góp phần giảm nghèo nhanh, xóa nghèo bền vững.

Không chỉ vậy, toàn tỉnh Sóc Trăng đã đào tạo nghề cho hơn 15.000 người, giải quyết việc làm mới cho 25.580 lao động, vượt 8,5% kế hoạch tỉnh giao; trong đó có 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 54,37%.

Trong những năm tới, Sóc Trăng cũng sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương, nghiên cứu tham mưu, đưa ra đề xuất nhằm ban hành chính sách hỗ trợ vốn vay từ ngân sách địa phương cho người tham gia xuất khẩu lao động. Hơn nữa, hỗ trợ người lao động có nhu cầu có điều kiện được tham gia xuất khẩu lao động ở những thị trường lao động nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia…

Trên thực tế, do không có vốn, trong khi nhu cầu xuất khẩu lao động trong dân là rất lớn nên không ít hộ dân ở Sóc Trăng đã bị một số đối tượng “cò mồi”, lừa đảo vay tín dụng “đen”, lãi suất cao để xuất khẩu lao động. Ngoài ra, có những tường hợp còn bị lừa mất trắng cả tiền lẫn công việc như hơn 100 hộ dân chủ yếu là đồng bào Khmer nghèo ở Trần Đề, Long Phú, Mỹ Tú (Sóc Trăng).

Trong nửa đầu năm 2017 đã bị một số đối tượng ở huyện Trần Đề câu kết với người nước ngoài lừa xuất khẩu lao động đi Mỹ với tổng số tiền bị mất hơn 100.000 USD, sau khi đổ bể thì “tiền mất, nợ mang” và công việc cũng không có.

Cũng theo ông Lê Hoàng Điện, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng do trình độ, tay nghề thấp nên nhiều lao động vẫn thiếu hoặc không có việc làm. Thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 49.000 lao động trong độ tuổi ở các địa phương do không có việc làm, thiếu việc làm ổn định hoặc việc làm thu nhập thấp phải bỏ quê đi làm ăn xa tận Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương… kéo theo hệ lụy gia đình không có người trụ cột, con xa cha mẹ thiếu người chăm sóc, cha mẹ già không người chăm nom…

Việc giải quyết việc làm cho người lao động nhất là lao động nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc Khmer, con em gia đình nghèo, chính sách ở Sóc Trăng sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao đời sống người dân, giải quyết vấn đề an sinh xã hội là giải pháp tốt nhất cho việc giảm nghèo, xóa nghèo giúp người dân thoát nghèo bền vững mà Sóc Trăng đang hướng tới.

Những cố gắng trong chỉ đạo, phát triển, kêu gọi và thu hút đầu tư đã giúp Sóc Trăng có sức tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7,01% trong năm 2017 sau một năm ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, biến đổi khí hậu, tăng 1,84 lần so với năm 2016.

Các ngành sản xuất, chỉ tiêu phấn đấu của tỉnh đều đã có chỉ số tốt, như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2017 đạt 680 triệu USD, vượt 4,62% kế hoạch, sản lượng lúa trên 2,11 triệu tấn, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.236 tỷ đồng, tăng 10,35% so với năm 2016; tổng thu ngân sách năm đạt 3.370 tỷ đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh trong năm 2017 được 3,16%, tương đương với 11.500 hộ thoát nghèo, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 11,85%... đều vượt so với chỉ tiêu phấn đấu.

Với sức bật mới, đà tăng trưởng đang khởi sắc và dấu ấn tích cực trong sự lãnh chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, Sóc Trăng đang hy vọng vươn lên mạnh mẽ, phát triển toàn diện, đảm bảo yếu tố bền vững trong giai đoạn tới trước những thách thức của thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục