Khánh thành giai đoạn 1 nhà máy nước sạch nghìn tỷ đồng

16:01' - 05/09/2019
BNEWS Nhà máy Nước mặt Sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp Vùng với tổng diện tích 65 ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5000 tỷ đồng với 2 phân kỳ.

Toàn cảnh dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Ngày 5/9, tại Hà Nội, nhà máy Nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne - Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc đã khánh thành giai đoạn 1 (công suất 300.000m3 ngày/đêm). 

Nhà máy nước mặt sông Đuống là nhà máy nước sạch sinh hoạt quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65 ha, mức đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng với 2 phân kỳ: Phân kỳ 1 khánh thành tháng 10.2018 với công suất 150.000m3/ngày đêm. Phân kỳ 2 có công suất 300.000m3/ngày đêm, đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người – chiếm 1/3 dân số Hà Nội và 1 số địa phương phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên và dần thay thế nguồn nước ngầm đã và đang có nguy cơ ô nhiễm cao.  

Nhà máy nước mặt sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ Đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội ngày 03/6/2016. Đây đồng thời là công trình gắn biển kỷ niệm 65 năm Giải phóng Thủ Đô (10/10/1954 – 10/10/2019).

Phòng điều khiển tự động Nhà máy nước mặt sông Đuống. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Từ khi đưa vào vận hành phân kỳ 1 tháng 10/2018, với công suất phát bình quân 120.000 m3/ngày đêm - 130.000m3/ngày đêm, nhà máy đã cung cấp nước sạch sinh hoạt bổ sung cho hàng triệu người dân tại các khu vực huyện Gia Lâm, Đông Anh, quận Long Biên, quận Hoàn Kiếm và khu vực phía Nam Thành phố bao gồm: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, huyện Thanh Trì.

Sau khi khánh thành phân kỳ 2 nâng tổng công suất lên 300.000m3/ngày đêm, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống sẽ tiếp tục bổ sung cung cấp nước sạch cho các quận nội thành, khu vực trung tâm của thành phố.

Đồng thời, cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 1 số vùng bổ sung thuộc ngoại thành thành phố Hà Nội: phía Tây Nam: Ứng Hòa, Thanh Oai và khu vực phía Nam các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, phía Bắc: các khu vực còn lại của các huyện Đông Anh, Sóc Sơn.

Bên cạnh đó, cấp nước tập trung cho một số Khu đô thị lớn đang xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng như: Khu đô thị VinCity Gia Lâm tại huyện Gia Lâm, Khu đô thị Thanh Hà tại quận Hà Đông và đón đầu tạo cơ sở hạ tầng cho các Khu đô thị đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng.

Nghi thức khởi động tay quay van nhận nước tại buổi lễ khánh thành Nhà máy. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhà máy nước mặt sông Đuống cũng bổ sung cấp nước vùng cho tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh. Cụ thể là các xã thuộc huyện Văn Giang - Hưng Yên, Khu đô thị Eco Park (Hưng Yên), Bổ sung cấp nguồn nước cho Thị xã Từ Sơn, Khu đô thị công nghiệp VSIP (Bắc Ninh),…  

Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống Đỗ Thị Kim Liên cho biết, nhà máy nước mặt Sông Đuống được vận hành tự động hóa hoàn toàn, áp dụng công nghệ xử lý nước đạt tiêu chuẩn cao nhất hiện hành tại Việt Nam (tương đương các tiêu chuẩn quốc tế); toàn bộ thiết bị có xuất xứ từ châu Âu; cung cấp nguồn nước sạch sinh hoạt đạt tiêu chuẩn châu Âu.

Các đặc điểm ưu việt về kỹ thuật và công nghệ của Nhà máy sau khánh thành giai đoạn 1 gồm: chất lượng nước sạch; áp lực nước đủ lớn, không cần sử dụng các bồn chứa và máy bơm trung gian; kiểm soát tốt và giảm thiểu việc thất thoát nước; cấu hình công nghệ tiên tiến nhất của châu Âu lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả tiết kiệm nước thô và tiết kiệm năng lượng. Toàn bộ công nghệ hiện đại này đều được vận hành và làm chủ bởi lực lượng kỹ sư và công nhân kỹ thuật người Việt.

Các khách mời, đại biểu tham quan nhà máy. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nhà máy này còn ứng dụng công nghệ và vận hành quy trình thân thiện với môi trường như: đảm bảo chỉ số thất thoát nước thô <1%. Quá trình xây dựng nhà máy đã dự liệu các giải pháp kỹ thuật để lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời trên bề mặt các bồn bể và mái nhà; sử dụng hệ thống đèn LED, lắp đặt cấu hình tự động để tiết kiệm năng lượng; tận dụng tối đa hệ thống thông gió tự nhiên; hoàn tất các thủ tục đăng ký, kiểm định cuối cùng để tiếp nhận chứng chỉ sử dụng tài nguyên hiệu quả EDGE của Tổ chức Tài Chính Quốc tế IFC – thành viên Ngân hàng Thế giớ. Trong tương lai gần, dự kiến sẽ kết hợp với các đối tác châu Âu để thực hiện việc xử lý chế biến bùn thành các sản phẩm phụ hữu ích cho các ngành nghề khác…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục