Khác biệt Đông-Tây Âu: Những thách thức chưa từng có (Phần 3)

05:30' - 05/04/2018
BNEWS Bài xã luận trên báo Le Monde nhận định trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức chưa từng có như hiện nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Pháp.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: THX/TTXVN

Đức chủ trường coi hội nhập sâu hơn nữa là một công cụ cần thiết để ngăn ngừa xung đột nội bộ, giảm bớt tình trạng bất bình đẳng khu vực và đảm bảo quyền tự trị chính trị, đồng thời duy trì sự thịnh vượng của châu Âu trong một thế giới ngày càng trở nên đa cực.
Gần 6 tháng sau cuộc tổng tuyển cử, ngày 14/3, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư sau khi nhận được đa số phiếu ủng hộ tại Quốc hội Đức. Tại châu Âu, nơi mà mọi cuộc bầu cử dù ở Anh hay Italy, Pháp hay Áo giống như một trò chơi hỗn loạn, Đức nổi lên như một ngoại lệ.
Cho dù có các gương mặt mới xuất hiện trên "bàn cờ" chính trị, chính phủ nhiệm kỳ thứ tư của bà Merkel về cơ bản không khác biệt so với trước, vốn được hình thành bởi các liên minh lớn giữa các đảng theo trường phái bảo thủ và trường phái xã hội-dân chủ của các năm 2005 và 2013.
Dư luận nói chung đều hoan nghênh sự ổn định này của nền kinh tế chính trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoàn toàn có lý do để vui mừng khi Chính phủ Đức - liên minh giữa các đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) và Dân chủ Xã hội (SPD) - sẽ dễ dàng ủng hộ các sáng kiến cải tổ Liên minh châu Âu (EU) của ông hơn là một chính phủ liên minh giữa CDU, đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) như đề xuất ban đầu sau cuộc tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, hiện nay bà Merkel phải đối mặt với một "môi trường thù địch" hơn bao giờ hết trong bối cảnh chủ nghĩa hoài nghi và dân túy đang trỗi dậy ở châu Âu, chế độ độc tài được củng cố ở Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Bên cạnh đó, mối đe dọa của một cuộc chiến thương mại với Mỹ đang làm thay đổi cục diện khi Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy mà Đức có thể dựa vào trong mọi hoàn cảnh. Đức sẽ phải thay đổi cho phù hợp với một thế giới bảo hộ và tăng ngân sách quân sự.
Cho dù bà Merkel không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào Pháp, nhưng Berlin sẽ không phải là một đối tác dễ dàng đối với Paris. Bà Merkel đang ở vào thế không thể trì hoãn nữa khi đã chính thức trở thành người đứng đầu chính phủ liên minh với ưu tiên hàng đầu là làm cho châu Âu tăng trưởng trở lại.
Tuy vậy, giữa phái bảo thủ Đức chống lại việc chia sẻ tài chính với phần còn lại của Eurozone và phái dân chủ xã hội rất e dè với chính sách quốc phòng châu Âu, Tổng thống Macron sẽ sớm phải nhận ra rằng sự hợp tác thực chất là một cuộc đấu tranh. Tháng 2/2018, phe bảo thủ Đức không ủng hộ ý tưởng của ông Macron trong việc tạo ra các danh sách xuyên quốc gia trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu năm 2019, gây ra cho ông Macron một thất bại tượng trưng cho một điềm xấu.
Dù ông Macron đang hy vọng giành vị trí lãnh đạo trong mối quan hệ Pháp-Đức và đẩy Pháp lên vai trò hàng đầu châu Âu, Điện Élysée vẫn nhấn mạnh rằng Đức là "đầu tàu không thể phủ nhận và đối tác chính". Theo Điện Élysée, không có sự cạnh tranh giữa các nhà lãnh đạo mà ngược lại cần tăng cường hợp tác kinh tế và chính trị.
Bà Merkel tới Pháp ngày 16/3, một chuyến viếng thăm cấp cao sau khi đắc cử hoặc tái đắc cử theo truyền thống trong quan hệ giữa hai nước. Trong các chủ đề được mang ra thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo có kế hoạch chung cải cách Eurozone mà bà Merkel và ông Macron ban đầu đã dự định trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 22-23/3, nhưng sẽ phải lùi lại đến tháng 6 tới.
Nguyên nhân chính là do những cuộc đàm phán khó khăn và kéo dài giữa các đảng liên minh trong Chính phủ Đức. Kế hoạch chung cho thấy một số quan điểm khác biệt giữa Pháp và Đức cần phải tiếp tục được thảo luận.

Nếu Paris và Berlin đã đồng thuận nhiều vấn đề như kiểm soát biên giới, phòng thủ hoặc nhu cầu đầu tư vào kỹ thuật số, hai bên chưa thống nhất với nhau về quản lý tài chính Eurozone. Bà Merkel tỏ ra nghi ngờ tính hiệu quả của sáng kiến bổ nhiệm 1 bộ trưởng tài chính châu Âu và thành lập 1 ngân sách chung Eurozone vì e ngại việc này có nguy cơ làm suy yếu các cường quốc của "Lục địa già".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục