Khác biệt giữa Nhật Bản và Trung Quốc khi rót vốn cho châu Phi

05:30' - 04/09/2019
BNEWS Theo tờ Yomiuri, đặt trọng tâm vào chất lượng thay vì số lượng sẽ là đặc điểm đặc trưng trong hỗ trợ kinh tế của Nhật Bản đối với châu Phi trong những năm tới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra cam kết này trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ bảy ở Yokohama ngày 28/8, trong đó có việc hỗ trợ các nước châu Phi phát triển nguồn nhân lực trong các ngành sẽ hỗ trợ cho sự tăng trưởng kinh tế.

Cách tiếp cận đó sẽ tạo ra sự khác biệt giữa sự hỗ trợ cho với châu Phi của Nhật Bản và sự hỗ trợ của Trung Quốc, nước đang mở rộng ảnh hưởng ở châu lục này bằng cách cung cấp các khoản tín dụng khổng lồ cho các quốc gia châu Phi, và giúp cho Nhật Bản lấy lại vị thế đã mất ở châu lục này. 

Trong bài phát biểu nhấn mạnh đến quyết tâm đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của châu Phi, Thủ tướng Abe nói: "Chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để hỗ trợ cho sự tiếp cận của các công ty Nhật Bản vào châu Phi… Xây dựng nguồn nhân lực là lĩnh vực mà Nhật Bản đã đầu tư nỗ lực lớn nhất trong nhiều năm qua vào châu Phi".

Một đặc trưng quan trọng của TICAD 7, được tổ chức lần đầu tiên ở Nhật Bản trong vòng 6 năm qua, đó là việc hướng tới các yếu tố kinh doanh, dựa trên thực tế là nhiều nước châu Phi đang tìm kiếm sự hỗ trợ để phát triển kinh tế.

Cùng với việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở châu Phi, điều này nhằm đảm bảo cả Nhật Bản và châu Phi có thể chia sẻ các thành quả của sự hỗ trợ này.

Các quốc gia châu Phi đã tán thành các đề xuất này. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi, một trong những người chủ trì TICAD 7, đã bày tỏ kỳ vọng về những gì mà mối quan hệ mạnh mẽ hơn với Nhật Bản có thể mang lại khi nói rằng quan hệ đối tác Nhật Bản với châu Phi là cơ hội thực sự để thu được các lợi ích chung.

Tuy nhiên, Thủ tướng Abe tránh đề cập tới mục tiêu định lượng cụ thể mới cho các khoản đầu tư của Nhật Bản vào châu Phi. Ông chỉ nói rằng đầu tư tư nhân của Nhật Bản vào châu Phi đã đạt 20 tỷ USD trong 3 năm kể từ TICAD 2016. Sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Phi là một lý do cho quyết định này. 

Thông qua sáng kiến "Vành đai và Con đường" nhằm tạo ra khu vực kinh tế với trọng tâm là Trung Quốc, Bắc Kinh đã thâm nhập nhiều quốc gia châu Phi thông qua các dự án hạ tầng khổng lồ và nhiều dự án khác. Một nguồn tin thân cận với Thủ tướng Abe cho biết có vẻ như ông Abe nhận định rằng "Nhật Bản không thể đánh bại Trung Quốc về mặt số lượng".

Anh và Pháp, những nước đã từng cai trị thực dân ở châu Phi, cũng đang theo dõi sát sao sự phát triển của châu Phi dưới sự dẫn dắt của Trung Quốc.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở Pháp diễn ra ngay trước TICAD 7, Thủ tướng Abe đã gặp gỡ nhiều nhà lãnh đạo khác để thuyết phục họ ủng hộ TICAD và khẳng định họ sẽ hợp tác trong vấn đề này.

Nhật Bản có kế hoạch tăng cường ủng hộ cho châu Phi thông qua việc hợp tác với các đối tác thứ ba như Anh, Pháp và Ấn Độ.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng các dự án hỗ trợ của Nhật Bản ở châu Phi sẽ diễn ra "trên một trục cực kỳ lâu dài" và "các thỏa thuận chỉ một lần sẽ cực kỳ hiếm".

Điều này cho thấy ý định của ông Abe thúc đẩy các dự án tập trung vào việc hỗ trợ về chất lượng cho sự độc lập về kinh tế của các nước châu Phi trong trung và dài hạn, dường như đối lập với kiểu cung cấp các khoản đầu tư khổng lồ ngắn hạn của Trung Quốc.

Theo một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, trước TICAD 7, Trung Quốc đã ép các quốc gia châu Phi từ phía hậu trường và kêu gọi họ không tham gia vào diễn đàn này.

Do một số nước châu Phi không có lựa chọn nào khác ngoài việc suy xét cẩn trọng quan hệ của họ với Trung Quốc, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất đây là hội nghị do "châu Phi lãnh đạo", nhằm tránh ấn tượng rằng đây là phép thử của sự trung thành khi phải chọn giữa Nhật Bản và Trung Quốc.

Trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản và Trung Quốc đang cải thiện trong thời gian gần đây, phương án hai nước sẽ hợp tác trong các dự án hạ tầng ở châu Phi đã được đưa ra xem xét. Bên cạnh đó, Thủ tướng Abe không đưa ra bất cứ chỉ trích trực tiếp nào nhằm vào Trung Quốc trong bài phát biểu của mình.

Cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc sẽ không dễ dàng. Nhật Bản có các đại sứ quán ở 35 quốc gia châu Phi, ít hơn so với Trung Quốc. Các nhà quan sát chỉ ra rằng Nhật Bản sẽ phải vật lộn để đưa sự hỗ trợ của mình tới các khu vực nơi nước này chưa có đại sứ quán.

Một chuyên gia về các vấn đề châu Phi cảnh báo "nếu mọi thứ tiếp tục diễn ra theo cách như hiện nay, ảnh hưởng của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục gia tăng"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục